Apr 06 2013

Những người chăm sóc giấc ngủ

Ngoài thời gian bận rộn chăm sóc phòng ốc, lau dọn, chải chuốt các vật dụng cho sạch sẽ ngăn nắp… lúc rảnh rỗi các chị còn tranh thủ các “cua” đêm học tiếng Anh tại nơi làm việc để hỗ trợ cho công việc quản lý khách sạn.

Thỉnh thoảng họ còn tập cách ăn nói… trước gương để tập tính tự tin cho bản thân mỗi khi giao tiếp với khách hàng. Bởi công việc thầm lặng hằng ngày của các chị là chăm sóc giấc ngủ cho mọi người, mà chúng ta vẫn quen gọi là house keeper.

Đảm đang như chính trong nhà mình!

Khi nói về công việc của mình, chị Giang – nhân viên tạp vụ dọn dẹp phòng khách sạn Amara (TP.HCM) đã ví von cái nghề này như một sự “làm dâu”. Bởi khi tiếp nhận các phòng ốc mà khách vừa check-out, lập tức các chị phải nhanh chóng “make up” phòng thật sạch sẽ, gọn gàng. Mỗi căn phòng còn mang ý nghĩa là bộ mặt của cả khách sạn.

Chị Giang tâm sự: “Công việc của mình tuy chỉ kéo dài 8 tiếng song quãng thời gian ngắn ấy khá nhọc. Nó không vất vả, chỉ đòi hỏi sự trung thực và cần mẫn của người làm. Nhiều lúc còn phải chịu “tình ngay lý gian”: nếu có một vị khách nào đó mất tài sản, thì người đầu tiên mà họ nghĩ đến là người dọn phòng rồi… Nhưng dù gì thì mình cũng phải làm hết trách nhiệm của mình…”.

Quả thật, tuy suốt 8 tiếng chỉ có mỗi công việc là lau dọn sạch sẽ 14 đến 16 phòng, nhưng lắm khi đã đem lại cho các chị nhiều sự cố bất ngờ. Chị Giang kể: “Ngày đầu tiên mình bắt đầu làm house keeper thì đã “đụng” ngay một vị khách bị mất đồ. Phòng an ninh quan sát camera và dò lịch làm việc thì đúng là phòng mình làm, nên cho gọi mình đến thẩm vấn. Cảm tưởng lúc đó của mình là giận, như bị xúc phạm, song sau một thời gian làm việc mình mới hiểu tính chất công việc và yêu thích nó nên mình luôn làm mọi cách để cho các khách hàng yên tâm, có giấc ngủ đẹp”.

Cũng phải thôi, người được vào phòng của khách chỉ có người làm tạp vụ cho nên không tránh khỏi những nghi ngờ khi các sự cố xảy ra. Vì thế mà chị Giang hay chị Hòa – khách sạn Amara – đều nhất trí rằng công việc này nặng thì không nặng nhưng nó rất nhọc; đòi hỏi ở người làm sự cần cù, trung thực và nhất là phải gọn gàng, sạch sẽ. Và đó cũng là điều tất nhiên, ưu tiên số một, bởi nhiều khách cầu kỳ trong từng chi tiết của phòng ngủ: tấm trải giường, đệm, chăn, gối chỉ một tí bụi hay một sợi tóc vương thì cũng bị đánh giá là kém chất lượng. Chính vì thế mà nhiều người hay ví bộ phận house keeper là “trái tim của khách sạn”.

Không chỉ là chăm sóc giấc ngủ cho khách mà các chị còn đảm nhiệm vai trò giặt ủi khi khách có nhu cầu hấp, giặt, ủi quần áo. Vì thế mà trước khi nhận quần áo, họ phải kiểm tra màu quần áo: đã bị phai màu phần nào, thuộc loại vải nào để giặt máy hay giặt tay… Công đoạn kiểm tra lần cuối quần áo cho khách cũng khá cầu kỳ: không để lại vết nhăn trên áo, nếu phai màu thì phải đền, hoặc chiếc áo có chất liệu vải giặt tay nhưng bỏ giặt bằng máy để nát áo cũng phải đền. Họ làm việc như những phụ nữ đảm đang ngay chính trong nhà mình: chăm sóc từ giấc ngủ đến giặt là áo quần! Song “nhiều lúc về đến nhà mình lại  thấy sợ… giặt ủi” – chị Giang kể về cảm giác “tréo ngoe” của mình như vậy.

Vui buồn cùng nghề

…kiêm luôn hấp, giặt, ủi áo quần khi khách có yêu cầu

Gắn bó với nghề này với các chị không chỉ là một cơ duyên mà còn cái nợ tình nghĩa với khách sạn. Chính cái không khí ấm áp giữa các thành viên ở đây đã tạo ra sự yêu thích trong công việc cho các chị. “Ngày xưa ở quê một chữ tiếng Anh bẻ đôi mình cũng không hiểu, nhưng đến giờ thì mình có thể giao tiếp với khách nước ngoài khi họ có nhu cầu giặt ủi quần áo hay… càu nhàu gì đấy! Hoặc chí ít thì khi đối mặt với các vị khách nước ngoài mình cũng phải nói được vài câu chào hỏi…”, một chị tâm sự.

Hầu hết các chị trước khi nhận công việc này đều phải qua một lớp huấn luyện 3 tháng về chuyên môn và học một số câu tiếng Anh có liên quan đến công việc của mình. Từ những phụ nữ chỉ quen việc chân tay, lặng thầm, khi làm việc các chị được biết thêm một ngôn ngữ khác, tự tin hơn lúc giao tiếp với mọi người. Chị Hòa kể: “Trời ơi, khi lần đầu đến làm chưa quen, một ông Tây hello với mình, mình hết hồn… chạy vắt chân lên cổ. Nay thì khác rồi, bọn mình tự tin hơn rất nhiều!”.

Một điều thú vị là công việc của họ đôi khi chỉ giao tiếp qua mảnh giấy con con được sắp sẵn trên bàn. Khách thuê phòng nhiều người dặn dò nhân viên khách sạn chỉ thông qua những mảnh giấy đó. Có nhiều vị khách hóm hỉnh, trước khi ra khỏi phòng còn để lại những ngôn từ pha trò khôi hài dễ thương, ngụ ý cảm ơn: “Phòng này tốt lắm, tôi rất thích cô dọn phòng cho tôi. Một buổi sáng tốt lành!”. “Làm công việc của mình thì sáng vào dọn dẹp không được nhìn thấy vị khách thuê phòng là ai. Và khi mình hoàn thành trách nhiệm, khách về nghỉ ngơi cũng không biết người đã dọn dẹp là ai.

Có một lần, phòng mình phụ trách dọn dẹp là vị khách người Hàn. Ông không có đồng hồ nên đề xuất mượn một cái vì cần dậy sớm để làm việc. Lúc đó mình sẵn có một cái trên tay, thế là mình đã đặt nó lại phòng và ghi mấy chữ vô mảnh giấy. Mình cứ mong là sáng hôm sau sẽ được gặp lại cái đồng hồ của mình, thế nhưng chỉ gặp vỏn vẹn một dòng trong mảnh giấy nọ: “Rất cảm ơn Giang về cái đồng hồ” nhưng lại chẳng thấy đồng hồ đâu (?!)”, chị Giang cười kể về một “kỷ niệm”!

Công việc quanh đi quẩn lại chỉ có quét dọn, vì thế mà các chị luôn cố gắng tạo ra niềm vui để có thêm tiếng cười sảng khoái. Các chị thành thật: “Công việc tuy không thay đổi, nhưng diện mạo của từng khách ngày ngày thay đổi. Nơi làm việc của mình đa phần là khách du lịch nước ngoài, nhiều vị khách hơn 1 năm quay lại ở, chỉ yêu cầu vỏn vẹn là: “Phòng tôi đề nghị cô… làm!”. Đó là niềm vui trong công việc của bọn mình mỗi khi có khách hàng nhớ đến”…

Theo Thanh niên

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, hotel mini Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*