“Làm lành mạnh nhà nghỉ”
Theo dự thảo Luật Du lịch vừa được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, tất cả loại hình lưu trú phục vụ khách du lịch sẽ được phân cấp, xếp hạng. Theo đó, việc xếp hạng từ 1-5 sao tiếp tục áp dụng cho các loại hình (hiện nay và mở rộng thêm), bao gồm: Khách sạn, làng du lịch, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch và tàu thủy du lịch. Đáng lưu ý, dự thảo đưa ra phương án phân hạng “cao cấp” và “đạt tiêu chuẩn” cho nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lý giải, mục tiêu xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có nhà nghỉ) nhằm bảo đảm khách du lịch được sử dụng dịch vụ lưu trú có chất lượng và đúng giá trị của loại, hạng dịch vụ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, việc đưa nhà nghỉ vào danh sách xếp hạng cũng nhằm loại bỏ những cơ sở kinh doanh không lành mạnh, làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch. Theo dự thảo, quy trình phân hạng nhà nghỉ được thực hiện theo các loại hình lưu trú khác. Cụ thể, trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động, người đứng đầu hoặc người đại diện theo pháp luật của nhà nghỉ phải đăng ký hạng nhà nghỉ để được cơ quan quản lý du lịch thẩm định, xếp hạng. Nhà nghỉ được công nhận, giữ hạng trong 3 năm. Ít nhất 3 tháng trước khi hết thời hạn theo quyết định công nhận, chủ nhà nghỉ phải nộp hồ sơ để đăng ký công nhận lại.
Lo “chạy sao” như khách sạn
Theo dự thảo, cơ sở lưu trú du lịch phải được thẩm định xếp hạng đúng với thực trạng của cơ sở vật chất và dịch vụ được bán đúng giá niêm yết. Tiêu chuẩn xếp hạng, gắn sao cho nhà nghỉ và các cơ sở du lịch sẽ do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Hiện, tiêu chí xếp hạng nhà nghỉ chưa hình thành; quy trình xếp hạng chi tiết chưa hoàn thiện nhưng đã dấy lên nhiều lo ngại, đặc biệt là quy trình thủ tục. Chị Thu Nga, chủ chuỗi nhà nghỉ khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng: “Nếu tiêu chí không rõ ràng, quy trình xếp hạng không minh bạch, việc các cơ sở lưu trú không đủ tiêu chuẩn “chạy” để được xếp hạng cao là điều không tránh khỏi”.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban thị trường (Hiệp hội Lữ hành Việt Nam) cho rằng, quy định xếp hạng nhà nghỉ sẽ dẫn đến những rào cản không cần thiết. “Theo quy định hiện hành, các cơ sở lưu trú, kể cả nhà nghỉ, khu du lịch, đều phải đăng ký các hạng mục phục vụ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ khách. Trên thực tế, quá trình kiểm tra này còn hời hợt, chưa sâu sát. Trong dự thảo luật quy định, doanh nghiệp muốn gắn sao, xếp hạng phải gửi đơn yêu cầu và chờ cơ quan nhà nước vào thẩm định. Nếu thủ tục phiền hà sẽ tạo ra giấy phép con gây phiền hà cho doanh nghiệp”, ông Hoan nói.
Thực tế, hiện nay, để hoạt động, các nhà nghỉ đã phải tuân thủ các quy định về khai báo tạm vắng tạm trú, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, các quy định về thuế… Vì vậy, việc tiếp tục quản lý theo phân hạng sẽ tiếp tục tạo ra một “nấc” quản lý mới; có khả năng ảnh hưởng đến tự do kinh doanh, khẳng định thương hiệu và tính cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh nhà nghỉ. Theo ông Hoan, việc xếp hạng nhà nghỉ không cần thiết vì đây là một dạng lưu trú cấp thấp. Nhà nghỉ muốn khẳng định đẳng cấp sẽ trở thành khách sạn chứ không nên phân hạng.
Chủ một nhà nghỉ ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) cho biết, khách đến nghỉ chủ yếu từ các mối thân quen nên việc xếp hạng không có nhiều hiệu quả. Thậm chí, việc xếp hạng sẽ hạn chế khách đến với nhà nghỉ.
Có giúp nhà nghỉ hết biến tướng?
Lâu nay nhiều cơ sở nhà nghỉ bị cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra mới lộ ra việc kinh doanh trái phép các dịch vụ nhạy cảm, không khai báo số lượng khách lưu trú với cơ quan chức năng.
Đơn cử, ngày 13/4 vừa qua, công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bất ngờ kiểm tra hành chính, bắt quả tang hai đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm tại nhà nghỉ T.N ở phường Mỹ Đình 2. Công an làm rõ đối tượng Nguyễn Tiến Đạt (SN 1995, trú tại huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) đã đến nhà nghỉ trên thuê phòng để ở và môi giới mại dâm. Đạt dùng nhiều số điện thoại và đăng tin trên mạng xã hội Zalo, khi khách có nhu cầu mua dâm sẽ điều gái bán dâm đến nhà nghỉ T.N để mua bán dâm.
Một cán bộ công an huyện Nam Từ Liêm cho biết, rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ bắt tay với các đối tượng môi giới mại dâm. Để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh chứa mại dâm, chủ nhà nghỉ thường để 1-2 phòng cho gái mại dâm ở, nhưng vẫn yêu cầu phải thuê thêm phòng trọ ở bên ngoài. Hết giờ “làm việc”, khoảng 3h sáng, gái mại dâm về phòng trọ ngủ, đến 10h sáng hôm sau mới quay lại nhà nghỉ, khách sạn. Thậm chí, chủ nhà nghỉ, khách sạn còn viết hóa đơn tiền phòng, coi gái mại dâm là khách nghỉ thông thường để tránh bị liên đới.
Một cán bộ công an Hà Nội cho rằng: Việc xếp hạng đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch cho nhà nghỉ du lịch sẽ giúp du khách an tâm lựa chọn dịch vụ theo nhu cầu của mình; đồng thời giúp cho công tác quản lý hành chính, an ninh trật tự đảm bảo tốt hơn.