Vì sao "khách sạn" mini tại Nội Bài dừng hoạt động?
Mặc dù dịch vụ buồng ngủ (SleepPod) một dạng khách sạn thu nhỏ ngay tại trung tâm của sân bay Quốc tế Nội Bài vừa được khai trương, nhưng hoạt động nay đã nhanh chóng bị đình chỉ hoạt động. Bởi, dịch vụ này được xem là có thể làm giảm hiệu quả của những nỗ lực trong ngành hàng không, việc giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay hiện nay.
Hôm 22/7 vừa qua, Công ty cổ phần du lịch Hàng không Việt Nam (VATC) đã khai trương dịch vụ buồng ngủ (SleepPod), một dạng khách sạn thu nhỏ ngay tại trung tâm của sân bay Quốc tế Nội Bài. Dịch vụ này ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách muốn có một không gian riêng để nghỉ ngơi, thư giãn giải trí trong thời gian chờ đợi lên máy bay.
Chia sẻ về dịch vụ buồng ngủ này, ông Phan Anh Tú, Giám đốc kinh doanh VATC cho rằng, buồng ngủ được ví như một khách sạn mini phục vụ du khách ngay tại trung tâm của sân bay Nội Bài cũng tương tự dịch vụ ở nhiều sân bay các nước như Singapore, Đức, Nga, Nhật Bản, Anh … Thực tế hiện nay, khu vực xung quanh Cảng Hàng không có quá ít khách sạn, nên rất bất tiện cho hành khách trong việc di chuyển để tìm chỗ nghỉ ngơi. Vì thế, loại hình buồng ngủ này ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho hành khách khi chờ bay.
Buồng ngủ tại sân bay Quốc tế Nội Bài đều có các thiết bị giải trí và các vật dụng cơ bản của một khách sạn mini
Theo giới thiệu, buồng ngủ VATC có diện tích khoảng 4m2 và cao 3 m, được thiết kế và sản xuất một cách cẩn thận, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí của du khách.
Cùng với đó, trong mỗi hộp ngủ đều có các thiết bị giải trí và các vật dụng cơ bản của một khách sạn mini như giường, tủ, chăn, ga, gối đệm, móc treo quần áo, điện thoại, wifi, đồng hồ báo thức, sách hướng dẫn… Ngoài các tiện ích nói trên, du khách đến với dịch vụ buồng ngủ VATC được phục vụ miễn phí nước uống và đồ ăn nhẹ.
Cũng theo giới thiệu, hiện VATC có 14 buồng ngủ với 3 phòng đơn và 11 phòng đôi. Mức giá được công ty công bố với 3 giờ sử dụng đầu tiên cho phòng đơn là 210 nghìn đồng, phòng đôi giá 252 nghìn đồng;
Trong 3 giờ sử dụng tiếp theo, giá phòng dịch vụ này sẽ được điều chỉnh giảm. Trong đó, phòng đơn giá 180 nghìn đồng; phòng đôi giá 215 nghìn đồng; từ 6-12 giờ sử dụng phòng đơn có giá hơn 1,3 triệu đồng, phòng đôi giá 1,6 triệu đồng và giá trọn gói nguyên ngày đối với phòng đơn là 1.530.000 đồng, phòng đôi giá 1.831.000 đồng.
Được biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa vào sử dụng hệ thống buồng ngủ phục vụ khách tại sân bay quốc tế Nội Bài. Dịch vụ này ra đời được kỳ vọng sẽ phục vụ tốt những hành khách thường xuyên phải di chuyển bằng máy bay, bởi trong bối cảnh hàng không liên tục có những chuyến bay chậm muộn như hiện nay, họ sẽ không còn phải chờ đợi khổ sở hàng giờ trên ghế mà có thể ngả lưng để lấy lại sức khỏe ngay tại sân bay.
Mặc dù được kỳ vọng dịch vụ khá tốt tại sân bay Nội Bài, nhưng chỉ vài ngày sau khi khai trường, khách sạn thu nhỏ ngay tại trung tâm này đã bị đình chỉ hoạt động.
Chia sẻ về động thái này, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sau khi dịch vụ buồng ngủ tại trung tâm của sân bay Quốc tế Nội Bài được khai trương, Cục đã tổ chức đoàn kiểm tra về việc cung cấp này tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Cũng theo Cục hàng không Việt Nam, hiện nay, tình trạng chậm, hủy chuyến bay còn nhiều, cơ sở hạ tầng tại Cảng hàng không sân bay, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vẫn chưa phục vụ tốt hành khách đi lại bằng đường hàng không.
Vì vậy, việc giới thiệu và khai thác dịch vụ hộp nghỉ mini tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào thời điểm này là chưa phù hợp, dễ gây hiểu lầm, làm giảm hiệu quả của những nỗ lực trong ngành hàng không việc giải quyết tình trạng chậm, hủy chuyến bay hiện nay.
Trước tình hình đó, Cục hàng không Việt Nam đã chỉ đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tạm dừng khai thác dịch vụ hộp nghỉ mini tại nhà ga T1 cho đến khi nhà ga T2 được đưa vào khai thác, xây dựng phương án kinh doanh loại hình dịch vụ này báo cáo Cục hàng không Việt Nam chấp thuận.
Theo thống kê số liệu chậm huỷ chuyến bay của các Hãng hàng không Việt Nam (từ 12h ngày 28/7/2014 đến 12h ngày 29/7/2014).
Theo đó, tổng chuyến khai thác là 439 chuyến và có 71 chuyến bị chậm. Trong đó, chậm do máy bay về muộn chiếm vị trí cao nhất với 35 chuyến, tiếp đến là 8 chuyến chậm do hãng hàng không; 7 chuyến chậm do cảng hàng không và 3 chuyến chậm do thời tiết; 5 chuyến bị huỷ.
Cụ thể, tại Vietnam Airlines có 271 chuyến khai thác và 31 chuyến bị chậm. Trong đó, chậm do thời tiết là 3; hãng hàng không 6 chuyến và cảng hàng không cũng 6 chuyến; máy bay về muộn 5 chuyến; huỷ chuyến 1; điều hành 1 chuyến, kỹ thuật 1 chuyến, lý do khác là 9 chuyến.
Trong khi đó, Vietjet Air cũng khai thác 105 chuyến, với 26 chuyến bị chậm. Trong đó, có 22 chuyến bị chậm do máy bay về muộn và 4 chuyến bị huỷ.
Tại Jetstar Pacific, hãng cũng đã khai thác 52 chuyến và có 11 chuyến bị chậm. Trong đó, có 8 chuyến bị chậm do máy bay về muộn, 2 chuyến do điều hành và 1 chuyến do cảng hàng không.
Khai thác ít nhất thuộc về VASCO với 11 chuyến và có 3 chuyến bị chậm. Trong đó, 2 chuyến do lỗi kỹ thuật và 1 chuyến do hãng hàng không.
Nguồn: Việt Báo
kinh doanh hiệu quả với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: admin