Jul 23 2018

Trào lưu mới “boutique hotel”

Trào lưu hoán cải những nhà kho, công xưởng cũ thành khách sạn nở rộ ở châu Á, nơi nhu cầu khách sạn giá rẻ đang gia tăng.

Khách sạn Inn A Day được cải biến từ nhà kho của một nhà máy đường bên bờ sông Chao Phraya.

Khách sạn Inn A Day được cải biến từ nhà kho của một nhà máy đường bên bờ sông Chao Phraya.

Bangkok (Thái Lan) có một số lượng lớn những khách sạn như thế, hầu hết tập trung ở khu phố cổ, trong tầm đi bộ đến các danh thắng lịch sử chính. Thí dụ như khách sạn Inn A Day được cải biến từ nhà kho của một nhà máy đường nằm bên bờ sông Chao Phraya, gần chợ Tha Tien và chùa Wat Arun nổi tiếng, cách hoàng cung chỉ 5 phút đi bộ.

Inn A Day có 11 phòng, với phòng rẻ nhất chỉ rộng khoảng 20m2, nhưng mỗi phòng lại được thiết kế khác nhau. Nếu không chú trọng lắm đến không gian thì đây là nơi nghỉ ngơi khá hấp dẫn. Kề bên là khách sạn Sala Rattanakosin vốn trước kia là một xưởng đóng gạch, có 16 phòng và một quầy bar trên sân thượng nhìn thẳng ra chùa Wat Arun tráng lệ, phù hợp với những người muốn nhâm nhi chút đồ uống có cồn khi ngắm mặt trời lặn.

Các khách sạn này thuộc dạng “boutique hotel”, mô hình khách sạn dạng nhỏ, khoảng 10 phòng, có phong cách trang trí nổi bật, trẻ trung và đậm chất nghệ thuật. Mỗi phòng là một phong cách, thường kết hợp giữa cổ điển và thanh lịch.

Phía đầu kia tường hào thành cổ Bangkok có khách sạn Bangkok Publishing Residence vốn là một xưởng in cũ. Gia đình người chủ khách sạn vốn trước đây làm nghề xuất bản, nay họ chuyển thành khách sạn 8 phòng, trông như một bảo tàng bày biện những máy in, máy đánh chữ và các ấn phẩm kiểu cũ.

Cạnh đó là một khách sạn – xưởng in cũ có tên The Printing House là một tòa nhà 6 tầng, có 15 phòng, bar trên sân thượng. Một số phòng được lấy ra để làm phòng ngủ tập thể với giường tầng, phục vụ khách ba-lô có túi tiền hạn chế – “backpacker”. Còn các phòng được thiết kế kiểu cách là dành cho khách ba-lô dạng sang chảnh, mà từ mới gọi họ là “flashpacker”.

Warehouse Hotel nằm cạnh bến cảng Robertson Quay bên sông Singapore là một sự cải biến rất tinh vi từ một kho hàng xây vào năm 1895. Với 37 phòng, “boutique hotel” này được nhận giải “Khách sạn của năm” 2018 từ Sleeper, tạp chí toàn cầu về thiết kế, phát triển, kiến trúc khách sạn.

Tòa nhà này có một lịch sử đầy màu sắc, bao gồm thời kỳ là xưởng làm rượu lậu, có lúc là ổ buôn thuốc phiện, có lúc là nơi tụ tập chè chén của dân bụi. Nhưng nó nằm không trong 20 năm trước khi công ty phát triển địa ốc Lo & Behold Group mua lại từ chính quyền địa phương. Văn phòng kiến trúc Zarch Collaboratives và công ty thiết kế nội thất Asylum được thuê để tân trang lại tòa nhà. Họ giữ nguyên vòm trần, tường gạch và cả hệ thống ròng rọc để giữ hiệu ứng thị giác mạnh và đưa những đồ kiểu cách mới vào.

Ở Thượng Hải, khách sạn The Waterhouse nằm tại con đập phía nam có 4 tầng, 19 phòng từng là đại bản doanh của quân đội Nhật Bản trong những năm 1930. Các tầng nhà bê tông cũ được giữ nguyên, chỉ cần thay đổi nội thất bên trong là tòa nhà nhìn qua sông Hoàng Phố sang các tòa tháp bên khu Phố Đông trở nên đáng ở.
Khu 798 Art Zone ở Bắc Kinh trước đây là một nhà máy quốc phòng, nay trở thành nơi tụ họp của giới nghệ thuật, với các studio, nhà hàng và khách sạn.

Kể cả nơi đất chật người đông như Hong Kong cũng có chỗ cho “boutique hotel”. Khách sạn Camlux 185 phòng nằm bên vịnh Cửu Long là tòa nhà 7 tầng xây năm 1985 từng là nơi sản xuất ruột phích nước (bình thủy). Kiến trúc sư Raymond Leung, một thành viên của gia đình sở hữu nhà máy, đã thuyết phục được gia đình ông cải biến nó thành khách sạn. Không gian sinh hoạt chung bên trong khách sạn có cảnh quan đặc trưng của một xưởng thổi thủy tinh.

Không chỉ có nhà kho hay xưởng máy tham gia vào trào lưu “boutique hotel”. Nhà hát Hoàng tử ở Bangkok xây năm 1912 và được sử dụng làm rạp chiếu bóng năm 1917, nằm kẹp giữa khu phố tàu ở đường Charoen Krung, rất khó để các nhà phát triển địa ốc phá bỏ. Thế nên giờ nó trở thành khách sạn Prince Theatre Heritage Stay Bangkok với phong cách nội thất như một rạp chiếu phim.

Đồn cảnh sát khu Tai O ở Hong Kong xây năm 1902 giờ thành khách sạn 9 phòng Tai O Heritage Hotel. Ở thành phố di sản UNESCO George Town của Malaysia, khu chợ cũ xây từ những năm 1920 được chuyển thành khách sạn 45 phòng.

Những không gian hoang phế, cũ kỹ có thể trở thành nơi cư trú hạng nhất cho dù mục đích xây dựng ban đầu của chúng có là gì đi nữa. Với đầu óc sáng tạo, các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất đang làm hai việc có ý nghĩa là đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và góp phần bảo tồn di sản, lưu giữ ký ức sống của các cộng đồng dân cư.

Đăng ký Quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*