TP.HCM: Năm 2015, khách sạn 5 sao sẽ “bùng nổ”
(Kinh tế) – Năm 2015, thị trường TP. Hồ Chí Minh được dự báo sẽ có sự tăng trưởng lớn trong nguồn cung trong khối khách sạn 5 sao.
Hàng loạt khách sạn hạng sang sắp khai trương
Trong suốt giai đoạn từ năm 1990 đến 2014, số lượng khách sạn năm sao tại Tp. HCM đã tăng dần và lên đến 16 cơ sở cao cấp, cung cấp 5.146 phòng, đạt mức tăng đáng kể 30% tính từ năm 2007. Đa số các khách sạn cao cấp cho tới hạng sang ở thành phố Hồ Chí Minh tập trung ở Quận 1, với tổng số 3,921 phòng (chiếm 76% tổng nguồn cung). Chỉ có hai cơ sở cao cấp ở Quận 5 và số còn lại nằm ở Quận Phú Nhuận, khá gần sân bay.
Đa số các khách sạn cao cấp ở HCM được quản lý bởi nhà điều hành quốc tế, chiếm 75% tổng nguồn cung hiện tại. Phần còn lại hoặc tự vận hành hoặc là một phần trong danh mục đầu tư của Saigon Tourist như Majestic và Rex. Rất ít thương hiệu quốc tế được sử dụng trong thị trường hạng trung với những cơ sở quy mô hộ gia đình.
Năm 2013 tới 2014 thị trường chỉ có 4 khách sạn mới khai trương trong phân khúc cao cấp, nâng tổng số tăng thêm 933 phòng.
Năm 2015, với việc hoàn thành và khai trương một số những khách sạn như The Reverie (trước đây là Times Square) và Le Meridien, công ty tư vấn bất động sản Alternaty dự đoán sẽ có sự tăng trưởng lớn trong nguồn cung trong khối khách sạn 5 sao. 636 phòng sắp đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ đẩy tăng trưởng thị trường thêm 30%.
Union Square Hotel (trước đây là Vincom A) khai trương năm 2016 sẽ tạo thêm cung mới ở phân khúc này. Dự án The One và Lavenue được dự kiến mở cửa vào năm 2017 và 2018 hiện đang trong giai đoạn thi công phần móng hoặc giải phóng mặt bằng. Việc mở rộng khách sạn Majestic cũng như tái phát triển Satra Tax Centre cũng được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong vòng 4 năm tới. Dự án Viettel ở đường Cách mạng Tháng 8, với khoảng 424 phòng, được kỳ vọng hoàn tất năm 2016.
Thị trường vẫn đầy tiềm năng?
Theo Tổng cục du lịch Việt Nam, tổng lượt khách tới Tp.HCM tăng đều đặn từ 2,6 triệu lượt lên tới hơn 4 triệu với tỉ lệ tăng trưởng trung bình là 11,4% trong suốt giai đoạn 2009 và 2013. 11 tháng đầu năm 2014, thành phố đón tiếp khoảng 3,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 50% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Đa số khách lưu trú tại những khách sạn cao cấp và hạng sang là người nước ngoài. Theo nghiên cứu nội bộ của Alternaty, Nhật Bản là một thị trường đặc biệt tiềm năng cho những khách doanh nhân đi công tác và khách lưu trú dài hạn.
Thị trường khách sạn cao cấp Tp.HCM có thể chia làm 3 nhóm: phân khúc Luxury (hạng sang), với Hyatt dẫn đầu mức giá phòng, phân khúc Upper Upscale (trên cao cấp) với những cơ sở như Renaissance, Rex và Sofitel, và phân phúc Upscale (cao cấp) bao gồm những cơ ở 5 sao hoặc 4 sao đạt chuẩn quốc tế.
Có một khoảng cách rõ rệt giữa các nhóm, với nhóm Hạng sang dẫn đầu thị trường ở mức giá phòng trung bình US$170/đêm, theo sau là nhóm trên cao cấp ở mức giá xấp xỉ US$118/đêm. Nhóm cao cấp có giá phòng ở mức trung bình US$90/đêm, gần bằng một nửa so với nhóm Hạng sang. Giá phòng trung bình ngày theo mặt bằng thị trường tương đối ổn định trong 2 năm qua ở cả 3 nhóm, là dấu hiệu cho thấy sự cân bằng trong tăng trưởng cung cầu với ít khách sạn mới khai trương.
Trong năm 2015, mức giá trung bình trên thị trường có thể tăng lên trong do việc khai trương Le Meridien và The Reverie sẽ tạo ra cạnh tranh trong phân khúc hạng sang, và tiếp đó là việc hoàn thiện cải tạo công trình Caravelle. Thậm chí nếu khách sạn không dự tính tăng giá, bằng việc tăng số lượng phòng trong phân khúc cao cấp, giá trung bình trên thị trường cũng sẽ tự tăng.
Kỳ vọng gì cho năm 2015?
Nhìn lại năm 2014, đây được kỳ vọng là một năm đặc biệt ấn tượng cho thị trường khách sạn 5 sao ở HCM, với những dấu hiệu tích cực cho thấy hoạt động kinh doanh vững mạnh trong suốt cả năm ngay từ quý đầu. Tuy nhiên, những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tác động tiêu cực lên lượt khách du lịch. Giai đoạn bất ổn ngắn này khiến công suất phòng giảm nhẹ, ảnh hưởng lên hoạt động giao dịch cả năm vốn được kỳ vọng sẽ là một năm ấn tượng cho các khách sạn thành phố.
Thị trường khách sạn nhìn chung cho thấy những dấu hiệu hồi phục đáng kể từ năm 2012 qua tăng trưởng vững chắc lên tới 60%. Phân khúc hạng sang dẫn đầu thị trường trong năm 2013 và 2014 với công suất phòng đạt cao nhất trong các phân khúc, tỷ lệ giao dịch tính riêng trong nhóm đạt 71%. Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng giữa khách sạn có mức giá cao nhất và các khách sạn còn lại trong nhóm, khi mà khách sạn giao dịch tại mức giá cao cấp có công suất phòng thấp hơn dao động ở mức 65%.
Mức độ cạnh tranh thể hiện rõ hơn ở phân khúc cao cấp, dẫn tới giá phòng và công suất phòng đều giảm và được kỳ vọng ghi nhận ở mức 66% cho năm 2014. Tuy nhiên, những khách sạn 4 sao quốc tế mới khai trương gần đây, tọa lạc tại những con phố trung tâm, đang trên đà đạt được công suất phòng ấn tượng với tỉ lệ giao dịch đạt trên 75%.
Với những khách dài hạn ở HCM, nhu cầu cho căn hộ dịch vụ dường như cũng khá mạnh với công suất phòng trung bình thị trường đạt 84%.
Công suất phòng thị trường trong năm 2015 được kỳ vọng sẽ bị thách thức bởi những đợt khai trương mới trong phân khúc Hạng sang. Tuy nhiên, số lượng phòng mở mới có lẽ cũng sẽ được cân bằng với việc một số cơ sở đóng cửa các tầng hoặc ngừng kinh doanh để tiến hành tu sửa.
Tuy nhiên, thị trường du lịch Việt Nam vẫn ẩn chứa tiềm năng tăng trưởng hơn nữa trong tương lai. Tp.HCM đang là thành phố dẫn đầu về lượng khách doanh nhân, doanh nghiệp và du lịch hội thảo, với hoạt động kinh doanh khách sạn đầy ấn tượng. Nhìn chung, so với các điểm đến Châu Á khác, tổng số phòng vẫn còn khiêm tốn nhưng tiềm năng hoàn vốn rất hấp dẫn. Điều này sẽ dành đất cho chủ đầu tư trong nước và quốc tế thực hiện cơ hội đầu tư vào mảng dịch vụ liên quan tới nghỉ dưỡng.
(Theo Bizlive)
Thích và chia sẻ bài này trên
Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, nhà nghỉ, hotel mini
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: admin