Aug 21 2013

Thuỵ Sĩ giúp đào tạo cho nhân lực du lịch miền Trung

Sáng 19/8, tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng), các giáo sư Học viện Du lịch và Khách sạn Thụy Sĩ đã chính thức khai giảng khoá “Nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy nghiệp vụ du lịch” cho đội ngũ giảng viên nhằm phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch  và quản lý khách sạn miền Trung – Tây Nguyên.

Đây là kết quả cụ thể từ sự ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Đại học Đông Á với Học viện Du lịch và Khách sạn Thụy Sĩ (SSTH – Swiss School of Tourism and Hospitality), Hiệp hội Khách sạn Thụy Sĩ (SHA – Swiss Hotel Association) trong cuộc hội thảo “Nhân lực du lịch: Thực trạng và giải pháp” được TP Đà Nẵng tổ chức hồi tháng 6 vừa qua (Infonet đã đưa tin). 

Khai giảng khoá đào tạo “Nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy nghiệp vụ du lịch” do các GS Học viện Du lịch và Khách sạn Thuỵ Sĩ trực tiếp giảng dạy tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng) sáng 19/8 (Ảnh: HC)

Trực tiếp tham gia giảng dạy là GS David Puser, Giám đốc chương trình, Bếp trưởng và nữ GS Renata Willi, giảng viên thuộc SSTH. Khóa học nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng và phương pháp cho 40 người là giảng viên chuyên ngành Kinh tế Du lịch ĐH Đông Á và trưởng các bộ phận thuộc các khách sạn, resort 4 – 5 sao ở Đà Nẵng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp.

Theo PGS.TS Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Đại học Đông Á, phương pháp đào tạo nghiệp vụ du lịch Thụy Sĩ kết hợp với các tiêu chuẩn VTOS áp dụng tại khoá học này sẽ kiểm tra, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên để phục vụ việc đào tạo và đào tạo lại nhân lực cho du lịch miền Trung – Tây Nguyên.

Cùng với tiếp cận các phương pháp giảng dạy và sư phạm hiện đại, các giảng viên theo học còn được huấn luyện các kỹ năng chuyên ngành nhà hàng, khách sạn, bếp, lễ tân để đạt chất lượng đào tạo tốt hơn.

Sau khoá học 5 tuần, các giảng viên tham dự khoá nâng cao sẽ phối hợp với các giáo sư SSHT tiến hành các khoá đào tạo 6 tháng cho các học viên có nhu cầu. Không chỉ được đào tạo về lý thuyết và thực hành nghiệp vụ du lịch với bằng cấp có giá trị toàn quốc, các học viên còn được rèn luyện và nâng cao khả năng tiếng Anh với 100% giảng viên bản ngữ từ châu Âu, được trải nghiệm công việc thực tế trong môi trường du lịch tại chuỗi các khách sạn, resort nổi tiếng thuộc Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và khách sạn Thụy Sĩ.

Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc khu du lịch 5 sao Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, việc SSHT của Thuỵ Sĩ chấp thuận đào tạo cho đội ngũ giảng viên – được xem như những “máy cái” để từ đó đào tạo ra nguồn nhân lực cho du lịch miền Trung – là sự kiện quan trọng, mở đầu cho việc đáp ứng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và đạt tiêu chuẩn quốc tế mà dự kiến đến năm 2015, ngành du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế sẽ thiếu khoảng 30.000 – 35.000 người!

Tăng doanh thu với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*