Jun 10 2017

Thâm nhập khách sạn giá rẻ cho Tây ba lô

Tây ba lô là khách hàng mục tiêu

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 5 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến thủ đô ước đạt hơn 2 triệu lượt, trong đó khách có lưu trú ước đạt gần 1,5 triệu lượt. Cũng theo thông tin từ Sở này, tổng số cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng trên địa bàn Thành phố là 613 cơ sở, chủ yếu là các khách sạn 1 sao. Số lượng khách sạn từ 3 – 5 sao chiếm tỷ lệ thấp, chỉ 65 khách sạn với 9.410 phòng.

Khách sạn giá rẻ cho Tây ba lô

Khách sạn giá rẻ cho Tây ba lô

Những con số nói trên phần nào phản ánh bức tranh du lịch Hà Nội hiện nay. Ở mảng phục vụ khách nước ngoài, khách sạn thấp sao chiếm ưu thế, phục vụ đông đảo khách Tây ba lô, những người được biết đến với phong cách du lịch tiết kiệm.

Nắm bắt được xu hướng này, mô hình khách sạn giá rẻ cho khách du lịch nước ngoài được nhiều chủ đầu tư bất động sản phát triển. Qua quan sát của phóng viên Đầu tư Bất động sản, khách sạn giá rẻ thường được đầu tư dưới dạng các phòng nghỉ tập thể, giường tầng (kiểu ký túc xá). Phòng được trang bị điều hòa, quạt, ổ cắm điện, wifi, bình nóng lạnh và tủ chứa đồ. Ngoài ra, khách còn được sử dụng các không gian chung và bữa sáng miễn phí (món phổ biến là bánh mỳ trứng).

Chị Đào Thị Thủy, Quản lý Hanoi Rocks Hostel chia sẻ: “Quan sát kinh nghiệm làm du lịch từ Thái Lan, khách quốc tế thường ở dài ngày vì giá phòng nghỉ rẻ. Từ thực tế Hà Nội ngày càng thu hút nhiều khách ngoại, trong đó khách du lịch bụi chiếm tỷ lệ cao. Chúng tôi đã chủ động phát triển mô hình cơ sở lưu trú giá rẻ”.

Chị Thủy lý giải thêm: “Nhận thấy các phòng nghỉ độc lập ngày càng ít khách, chúng tôi đã có sự điều chỉnh thích hợp. Nếu trước đây, một phòng riêng dành cho 2 người, diện tích khoảng 30 m2 sẽ có giá chừng 30 USD, tức là 15 USD/người/ngày đêm, thì nay, chúng tôi cải tạo căn phòng đó thành phòng nghỉ cho 6 người, mức giá giảm hẳn chỉ còn 5 USD/người”.

Với diện tích vốn có, chị Thủy và những người kinh doanh khách sạn giá rẻ vẫn đảm bảo mức thu, có điều, khách hàng mục tiêu đã thay đổi theo biến động thực tế của thị trường du lịch.

Đa dạng dịch vụ cộng thêm

Một điểm cộng đáng kể của nhiều khách sạn giá rẻ, đó là các hoạt động cộng thêm dành cho du khách. Nhiều khách sạn duy trì việc tổ chức hàng ngày các walking tour (đi bộ du lịch) cho khách lưu trú. Khách được hướng dẫn viên của khách sạn dẫn đi tham quan một số địa danh nổi tiếng quanh khu phố cổ (không mất phí, tự túc tiền ăn), được tìm hiểu khái quát về văn hóa, lịch sử các địa danh…

Quầy ba Tây Ba lo

Quầy ba Tây Ba lo

Các dịch vụ cộng thêm như quầy bar mang lại nguồn thu thụ động cho các khách sạn loại này

Ngoài ra, các khách sạn này còn rất biết cách chiều lòng khách bằng các chương trình ca nhạc, lễ hội bia, ẩm thực vào các dịp cuối tuần hoặc ngày lễ… Với các khách sạn có vị trí đẹp và không gian rộng, thông thường chủ khách sạn sẽ xây dựng một quán bar để bán đồ uống, thức ăn cho khách lưu trú và khách vãng lai.

Không khó để tìm thấy những nhận xét tích cực từ phía du khách dành cho các điểm dừng chân này.

“Chủ khách sạn là những người tuyệt vời, họ đã làm kỳ nghỉ của tôi ở Hà Nội thật vui vẻ và đáng nhớ!”, Billy
MacCartney, một du khách Mỹ cho biết.

Còn Rocío Ortega, một du khách Tây Ban Nha lại hào hứng kể về một khách sạn giá rẻ ở Hà Nội mà anh đã ở lại: “Đây là một trong những nơi tốt nhất tôi từng trải qua trong những chuyến đi của châu Á. Nhân viên rất đáng yêu, còn phòng ở thì sạch sẽ và yên tĩnh”.

Cạnh tranh ngầm đầy khốc liệt

Theo một số chủ khách sạn giá rẻ chia sẻ, với khách Tây ba lô, mùa cao điểm là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, thời gian còn lại lượng khách sụt giảm đáng kể và nhiều khách sạn hoạt động cầm chừng.

Anh Khổng Quang Xanh, chủ Khách sạn Blues Hostel (Hà Nội) cho biết: “Hiện đang là mùa thấp điểm, tỷ lệ lấp đầy của chúng tôi chỉ đạt 30-40%. Trong khi chi phí chung không giảm, thậm chí còn tăng. Cụ thể, những tháng cao điểm, thời tiết lạnh hoặc mát, lượng điện tiêu thụ thấp, mỗi tháng Blues Hostel chỉ phải chi trả khoảng 10 triệu tiền điện, nhưng ở giai đoạn thấp điểm, thời tiết oi nóng, lượng khách thấp đi trông thấy, nhưng tiền điện lại tăng gấp 1,5 lần”.

Các khách sạn giá rẻ đang đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch bụi. Và nhìn bề ngoài, có vẻ đây là một mảnh đất màu mỡ và yên bình, nhưng thực sự, bên trong nó chứa đựng không ít sự cạnh tranh khốc liệt và sóng ngầm.

Với mức giá 5 USD/người có ăn sáng, các chủ khách sạn đều khẳng định, hầu như không có lãi. Đặc thù của hệ thống này là thường bán phòng qua các trang đặt phòng trực tuyến với mức chiết khấu 20 – 25%/đầu khách (tức chỉ thu được dưới 4 USD/khách/ngày). Tính mùa vụ cũng thể hiện rõ rệt, nên các chủ khách sạn đều trông chờ vào các dịch vụ cộng thêm. Lợi nhuận của khách sạn giá rẻ chủ yếu đến từ việc cho thuê xe máy, bán vé máy bay, bán vé tour du lịch đi các tỉnh. Nguồn thu thụ động này đóng vai trò quan trọng, nên có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các khách sạn.

Khách sạn A cho thuê xe máy với giá 100.000 đồng/ngày, nhưng khách sạn B có thể chỉ cho thuê ở mức 80.000 đồng/ngày. Cùng một tour du lịch, nhưng mỗi nơi có thể bán giá chênh nhau từ 10 – 20 USD. Điều này phần nào đã mang đến cảm giác thiếu tin tưởng cho du khách. Nhiều vị khách khi đi cùng tour và trao đổi về giá mới phát hiện mình bị mua đắt.

Mô hình khách sạn giá rẻ đã cho thấy tính ưu việt khi đáp ứng được nhu cầu của một lượng lớn khách ngoại. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát triển và mang lại nhiều hơn nữa doanh thu cho ngành du lịch, cũng cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý để tránh tình trạng mỗi người một chợ, mỗi chợ một giá như hiện nay.

Có lẽ đã đến lúc cần thành lập một hiệp hội các khách sạn giá rẻ, để các chủ kinh doanh thống nhất chung về mức giá dịch vụ đi kèm, có vậy, du lịch Hà Nội mới thực sự phát triển bền vững và để lại nhiều hơn những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Theo Đức Thành
Báo Đầu tư Bất động sản

kinh doanh hiệu quả với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*