Aug 18 2013

Sheraton rút tiền của khách là vi phạm pháp luật

Sheraton rút tiền của khách là vi phạm pháp luật

>Khách sạn Sheraton bị tố tự ý rút tiền trong thẻ tín dụng của khách

TPO – Sau vụ “Khách sạn Sheraton bị tố tự ý rút tiền trong thẻ tín dụng của khách” nhiều bạn đọc đã phản đối cách làm ăn của khách sạn này đồng thời cho rằng, làm như vậy là vi phạm pháp luật.

Khách sạn Shraton
Khách sạn Shraton. Ảnh: sheraton.com

Khách hàng cho rằng gửi thư xin lỗi là không thỏa đáng

Sau khi vụ việc xảy ra, phía khách sạn Sheraton đã gửi thư tới khách hàng là chị N.T.H để xin lỗi.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, chị H cho rằng, khách sạn làm như vậy là không thỏa đáng. Chi H bày tỏ: Sheraton là khách sạn 5 sao chứ không phải là quán ăn vỉa hè. Nếu nhân viên tự ý trừ tiền như thế, phía khách sạn Sheraton cần chỉ rõ đã vi phạm vào những điều khoản nào trong việc giao dịch cũng như bảo mật thông tin.

Nếu cứ đổ lỗi cho nhân viên rồi né tránh trách nhiệm thì tôi không thể chấp nhận được, trường hợp nhân viên rút ruột của khách tiền tỷ rồi chuồn chẳng lẽ khách sạn Sheraton cũng gửi đơn xin lỗi sao, chị H bức xúc.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty luật TNHH Trường Lộc) nói: Vụ việc xảy ra tại khách sạn Sheraton Hà Nội và ngân hàng cho thấy, bên mua và bên bán đã thực hiện xong một giao dịch dân sự (mua – bán). Thông thường khi thanh toán bằng tiền mặt bên mua giao tiền thanh toán cho bên bán bằng cách kiểm đếm trực tiếp, do đó khó xảy ra việc thừa hay thiếu. Sau khi thanh toán xong nếu không có thỏa thuận nợ (thừa, thiếu) thì giao dịch được xem đã thực hiện xong, hai bên không còn nghĩa vụ với nhau.

Phát lệnh thanh toán giả?

“Giao dịch này người mua đã giao dịch thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng và đã hoàn thành một vụ giao dịch”.

Nếu Ngân hàng không nhận được lệnh thanh toán bằng thẻ từ Khách sạn, nhưng vẫn cắt khoản tiền 200.000 đồng (khoản tiền nhỏ) của khách hàng có tài khoản tại ngân hàng khi không có yêu cầu của chủ tài khoản là vi phạm phạm lớn trong hoạt động tín dụng.

Còn nếu ngân hàng nhận được lệnh thanh toán bằng thẻ tín dụng từ khách sạn, thì sẽ có một thẻ tín dụng giả ở khách sạn, hoặc khách sạn đã thực hiện một lệnh thanh toán giả bằng thẻ tín dụng. Như vậy khách sạn Sheraton đã vi phạm lớn trong hoạt động giao dịch điện tử. Những người thực hiện hành vi này có dấu hiệu phạm vào “Tội sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, được quy định tại Điều 226b Bộ luật hình sự. Đồng thời cho thấy hệ thống bảo mật, kiểm soát giao dịch điện tử của ngân hàng không chính xác, không đáng tin cậy.

Do đó, ngân hàng và các cơ quan chức năng cần làm rõ sự việc xem việc cắt khoản tiền 200.000 đồng từ tài khoản của khách hàng được thực hiện như thế nào và xử lý theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho những người thực hiện các giao dịch thanh toán thông qua tài khoản và thẻ tín dụng.

Quy trình thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng

Một phần lá thứ của khách sạn Sheraton gửi khách hàng
Một phần lá thứ của khách sạn Sheraton gửi khách hàng. Ảnh: Minh Đức

Cũng qua thông tin trên, một chuyên gia trong lĩnh vực giao dịch qua thẻ tín dụng cho biết: Bên bán hàng sẽ quẹt (swipe) thẻ của người mua vào một chiếc máy đọc thẻ (gọi là EDCT – Electronic Data Capture Terminal). EDCT đọc các thông tin về thẻ của bạn ghi trên băng từ và liên lạc với ngân hàng của cửa hàng (Merchant’s Bank) thông qua modem, đường điện thoại hoặc ISDN line, gửi kèm theo yêu cầu về số tiền cần thanh toán, ngân hàng này kiểm tra trong CSDL của VISA.

Nếu thẻ của người mua là thẻ hết hạn hoặc bị mất cắp, số tiền bạn muốn trả có vượt quá hạn mức…chủ thẻ (ngân hàng) sẽ yêu cầu bạn thanh toán bằng hình thức khác.

Nếu thẻ của người mua hợp lệ, ngân hàng sẽ báo lại ngay trong vài giây về EDCT là giao dịch được phê duyệt, khi đó EDCT sẽ in ra một tờ giấy nhỏ ghi rõ số tiền, mã số giao dịch để bạn ký vào đó (Sale Slip). Người mua được giữ bản chính của sale slip, người bán hàng sẽ giữ bản sao và gửi về ngân hàng để nhận tiền sau này. Khi nhận được sale slip Merchant’s bank sẽ ghi có (credit) ngay số tiền giao dịch vào tài khoản của Merchant đồng thời gửi thông báo yêu cầu ngân hàng của người mua (Cardholder’s Bank) thanh toán số tiền. Cardholder’s bank sẽ thanh toán tiền cho Merchant’s Bank và ghi nợ (debit) số tiền vào tài khoản của người mua.

Chi tiết về giao dịch sẽ được ghi trong tờ sao kê kế tiếp gửi đến cho người bán. Giả sử có người ăn cắp thẻ của người mua, giả mạo chữ ký của người mua thì trong thời hạn nhất định (thường là 2 tuần) người mua có thể liên hệ với ngân hàng của người mua để đòi lại tiền.

VISA đảm bảo rằng nếu ngân hàng của bạn chứng minh được chữ ký không phải là chữ ký của người mua thì họ sẽ trả lại tiền cho người mua ngay. Merchant’s bank sẽ lấy lại tiền từ tài khoản của Merchant còn việc tranh chấp là gánh nặng của Merchant đi theo người mua đòi tiền nếu người bán muốn.

Điều 226b. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm:Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:Có tổ chức;Phạm tội nhiều lần;Có tính chất chuyên nghiệp;Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;Gây hậu quả nghiêm trọng;Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn

ĐỨC HOÀNG

 

Tăng doanh thu với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*