Nov 06 2014

Nhân lực cao cấp cho khách sạn thiếu trầm trọng

Theo các chuyên gia du lịch, hiện nguồn nhân lực cho ngành du lịch khách sạn đang bị thiếu trầm trọng. Đặc biệt nguồn nhân lực để giữ các vị trí cao cấp trong khách sạn gần như không có.

“100 sinh viên thực tập chỉ tuyển dụng được 5-10 em”
Sự thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao, có khả năng điều hành và giữ các chức vụ trưởng các bộ phận… thật sự đang là vấn đề nan giải đối với các cơ sở lưu trú như khách sạn, resort. Theo Chiến lược du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đến năm 2020 Việt Nam dự kiến đón 10-10,5 triệu du khách quốc tế, 47-48 triệu lượt khách nội địa, doanh thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ đô la, đóng góp 6,5-7% GDP quốc gia, tạo ra 3 triệu việc làm, trong đó 870.000 lao động trực tiếp liên quan đến ngành du lịch. Dự kiến năm 2020, Việt Nam sẽ có 580 nghìn phòng lưu trú, trong đó 35-40% đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Hiện mỗi năm ngành du lịch đã cần tới 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên/năm tốt nghiệp, trong đó có 12% từ các trường đại học, còn lại là từ các trường cao đẳng và trường dạy nghề. Như vậy, nguồn nhân lực cao cấp ở các vị trí điều hành và quản lý vốn chỉ do các trường ĐH đào tạo và cung cấp rõ ràng là thiếu trầm trọng.


Nguồn nhân lực do các trường đào tạo trong nước hiện tại không đáp ứng được nhu cầu cho các khách sạn 5 sao, khu resort đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Không chỉ vậy, chỉ tính riêng ngành du lịch khách sạn (DLKS), đội ngũ sinh viên do các trường ĐH cung cấp cũng không đủ chất lượng để đảm trách các vị trí nhân sự bậc cao. Theo bà Phùng Thanh Yến – Trưởng Phòng nhân sự Khách sạn Movenpick, nguồn nhân lực do các trường đào tạo trong nước hiện tại không đáp ứng được nhu cầu cho các khách sạn 5 sao, khu resort đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thậm chí, nhân lực để giữ vị trí cao cấp như điều hành, trưởng bộ phận gần như không có. Sinh viên tốt nghiệp ra trường hầu hết đều thiếu kinh nghiệm, không có kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, tiếng Anh kém… “Tỷ lệ sinh viên đến thực tập tại Khách sạn Movenpick có thể đến 100 em, nhưng được nhận vào làm thì tỷ lệ chỉ là 5-10 em, tức là từ 5-10%. Con số quá thấp. Tỷ lệ các bạn đáp ứng được yêu cầu hiện tại còn thấp là do chưa có kinh nghiệm và không hiểu hết được tầm nhìn, vị trí làm việc của các bạn.”- bà Yến nhận định.

Ông Kai Marcus Schroter – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý  HTM, Phó Chủ tịch Ủy ban Du lịch, Khách sạn và Nhà hàng phòng Thương mại châu Âu Việt Nam (Eurocharm) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều trường vẫn áp dụng hệ thống giáo dục lỗi thời, không cập nhật xu thế thế giới, đồng thời quá chú trọng đến lý thuyết mà thiếu các kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm. Thậm chí, nhiều giảng viên tại các trường cũng thiếu kinh nghiệm công việc, thiếu cập nhật xu hướng mới, nghèo nàn về kỹ năng mềm và yếu kém về ngoại ngữ.

Theo bà Yến, một trong những trở ngại khác đối với công tác nhân sự ngành du lịch khách sạn hiện nay là do nhiều bạn trẻ không có đam mê nghề nghiệp, không coi trọng nghề du lịch khách sạn vì áp lực, đặc thù nghề nghiệp và tâm lý cho rằng đây là nghề “phục vụ người khác”. “Do đặc thù nghề du lịch khách sạn là phải làm nhiều thời gian, làm theo ca, nên có nhiều bạn học nghề nhưng không theo nghề. Cũng có bạn đến thực tập tại khách sạn song lại chuyển sang làm nghề khác do không chịu được áp lực nghề. Ngành du lịch khách sạn đòi hỏi tính kiên nhẫn, khả năng chịu đựng cao và thích ứng với môi trường, nên bạn nào không yêu nghề thì khó mà trụ lại được với nghề”- bà Yến cho hay.

Doanh nghiệp bắt tay với nhà trường: Vẫn là bài toán khó!
Để khắc phục nghịch lý “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu” nhân lực bậc cao ngành DLKS, các chuyên gia du lịch cho rằng, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp để có thể tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm, từ đó có nhiều kinh nghiệm để có thể làm việc ngay sau khi ra trường. Tuy nhiên, thực tế vấn đề này vẫn còn gặp nhiều rào cản.

Thực tế, nhiều khách sạn đã có sự phối hợp các trường ĐH, CĐ để hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch, song chưa thực sự hiệu quả do hầu hết sinh viên có thời gian thực tập quá ngắn, chỉ tầm 3 tuần đến 1 tháng. Các chuyên gia cho rằng, sinh viên cần có thời gian thực tập dài hơn, ít nhất là 3 tháng để có thể cọ xát thực  tế, tích lũy được kinh nghiệm. “Nếu sinh viên chỉ gia nhập với khách sạn trong 3 tuần hay 1 tháng thì không đủ để hiểu hết nội quy tại khách sạn chứ đừng nói đến việc được trực tiếp giao tiếp, tiếp xúc với khách hàng” – một chuyên gia về DLKS cho hay.

Trong khi đó, ông Đồng Xuân Đảm – Trưởng Khoa Du lịch khách sạn (ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ, từ năm 2005, khoa Du lịch Khách sạn là khoa duy nhất của Việt Nam được tiếp cận với cách giáo dục đại học định hướng ứng dụng nghề nghiệp của Hà Lan. Với cách làm đó, chương trình học được tăng thêm phần ứng dụng, thực hành, sinh viên được tiếp cận với đòi hỏi của công việc thực tế ngay từ giai đoạn đầu. “Hiện chúng tôi đã liên hệ với 4 khách sạn và 20 công ty lữ hành, nhưng chỉ có 4 đơn vị cho phép sinh viên làm việc từ năm thứ hai. Sau khi làm, các em quay lại học và năm thứ 3 lại tiếp tục làm việc. Hiện tại với sự điều chỉnh trong việc đào tạo như vậy, chúng tôi đã có 20% sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng đã được nhận làm việc ở các khách sạn 4- 5 sao” – ông Đảm cho hay.

Tuy nhiên, ông Đảm cho biết, vấn đề còn vướng mắc là khó có thể dung hòa giữa việc vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp vừa đảm bảo thời gian học của sinh viên. “Các em phải học ở trường nửa ngày. Nếu làm ca ở khách sạn mất tầm 8 tiếng thì các em không có khả năng học nữa vì kiệt sức. Hiện chúng tôi đang trao đổi để tìm đúng khách sạn cần sinh viên thực tập và sẽ lựa chọn những người đáp ứng yêu cầu của khách sạn về tiếng Anh, ngoại hình, kiến thức. Sau đó, chúng tôi cố gắng đàm phán để làm sao sinh viên có thể làm buổi sáng và học 4 tiếng buổi chiều, sau đó sẽ có bạn khác thay thế để bù lại 4 tiếng buổi chiều cho khách sạn”- ông Đảm nói.

Về vấn đề này, bà Yến đề xuất, các trường cũng nên linh hoạt hơn trong việc điều phối lịch học của sinh viên để phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. “Thực tế cách đào tạo của một số nước như Thụy Sỹ, Singapore, Pháp… bao giờ cũng ưu tiên thời gian cho sinh viên đi thực tập và tiếp cận thực tế nhiều hơn thời gian học lý thuyết. Đây chính là cơ hội để người học tích lũy kinh nghiệm, cũng như khả năng giao tiếp tiếng Anh”- bà Yến bày tỏ.

Trước tình trạng thiếu hụt nhân sự cao cấp của ngành du lịch khách sạn hiện nay, mới đây Mạng Du lịch Khách sạn Việt Nam (VHN) đã cho ra mắt chương trình “Phát triển hệ thống nhân lực cao cấp ngành Du lịch Khách sạn giai đoạn 2015 – 2020” dưới dự bảo trợ và hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch và Công ty giải pháp kinh doanh khách sạn VietStar HBS. Ông Chử Hồng Minh – người sáng lập VHN cho hay, một trong những mục tiêu mà dự án hướng đến là sẽ tạo cơ hội cho các sinh viên có những trải nghiệm thực tế trong môi trường khách sạn để phát triển kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm, thậm chí tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp cho mình ngay khi còn đang học. Trước mắt, trong năm 2014, chương trình sẽ đào tạo miễn phí cho 1.000 nhân lực trong ngành DLKS về marketing trên internet.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân sự bậc cao cho ngành DLKS nói riêng và ngành du lịch nói chung chắc chắn cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách quản lý cho đến sự bắt tay giữa doanh nghiệp và nhà trường. Song sự ra đời của những chương trình đào tạo mang tính xã hội cao như VHN đang làm là giải pháp thiết thực nhằm góp phần đưa chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực ngành DLKS có chuyển biến đáng kể trong thời gian tới./.

 

Nguồn: Báo điện tử Tổ quốc.

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*