Nâng cao năng lực cạnh tranh của các khách sạn
Sự phát triển không ngừng của ngành du lịch trong nước những năm qua đã kéo theo sự phát triển của việc kinh doanh Khách sạn. Tuy nhiên, không phải cơ sở lưu trú nào cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn cơ bản để tham gia kinh doanh.
Bà Lê Mai Khanh – Vụ Trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch-Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho biết kết quả quá trình thẩm định, kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch cho thấy phần lớn cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam có quy mô nhỏ (dưới 20 phòng). Các cơ sở này còn thiếu tính chuyên nghiệp trong thiết kế, bài trí, trang trí. Thêm vào đó, trình độ quản lý và phục vụ còn yếu, chưa quan tâm tới đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên phục vụ.
Các cơ sở lưu trú du lịch có thứ hạng cao hầu hết tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn dẫn đến tình trạng thiếu buồng phòng có chất lượng cao ở các tỉnh, thành phố trung tâm du lịch lớn vào mùa cao điểm.
Mặc dù từ năm 1994, Tổng cục Du lịch đã ban hành nhiều quy định tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn du lịch nhưng đến nay, những quy định này đã không còn phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, theo ông Trần Duy Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, bên cạnh những quy định do Trung ương, ngành du lịch mỗi địa phương đưa ra thì các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú cũng có những quy định riêng về tiêu chuẩn chất lượng để áp dụng quản lý, do đó chất lượng của các cơ sở lưu trú không đồng đều.
Trước thực tế trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia về xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch thống nhất trong cả nước để từ đó có nhận định và định hướng đầu tư phát triển hệ thống lưu trú du lịch nhằm đem lại hiệu quả cao trong kinh doanh lưu trú du lịch. Đây cũng là căn cứ để kiểm tra chất lượng các cơ sở du lịch, đôn đốc nhắc nhở các cơ sở đảm bảo chất lượng phục vụ tương xứng với xếp hạng được công nhận và hướng các cơ sở lưu trú du lịch cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng phục vụ.
Việc xây dựng các tiêu chí thống nhất để nâng cao chất lượng các khách sạn tại Việt Nam là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc duy trì Quản lý tiêu chuẩn chất lượng các khách sạn đã được xếp hạng không kém phần quan trọng. Thế nhưng, ở Việt Nam, điều này hầu như rất khó thực hiện. Hầu hết các khách sạn chỉ phấn đấu để đạt các thứ hạng mình đặt ra sau đó ít quan tâm đến việc duy trì thứ hạng này.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thùy – chuyên viên Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam chia sẻ trong một chuyến đi thực tế với các chuyên gia người Áo ở Phú Quốc, các chuyên gia kiểm tra hai khách sạn bốn sao, một do Việt Nam quản lý, một do người Pháp quản lý. Sau khi kiểm tra hết các tiêu chuẩn về dịch vụ, cách bài trí… các chuyên gia lấy tay lướt qua cánh cửa một phòng Vip và thấy tay họ đầy bụi.
Qua khách sạn do người Pháp quản lý, các chuyên gia cũng làm hành động tương tự nhưng các cánh cửa rất sạch. Điều đó cho thấy, cùng là khách sạn bốn sao nhưng cách quản lý của hai nhà quản lý hoàn toàn khác nhau.
“Các khách sạn tạo ra nhiều tiêu chuẩn nhưng bên cạnh đó cũng tự đặt ra nhiều thứ hoàn cảnh để không thực hiện được. Cho nên, việc duy trì Quản lý tiêu chuẩn chất lượng các khách sạn phải được đặt lên hàng đầu. Có như vậy, khả năng cạnh tranh của các cơ sở lưu trú du lịch do người Việt Nam quản lý mới được nâng cao,” bà Thùy nói./.
-ST-
Tăng doanh thu với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: admin