Kinh doanh khách sạn cao cấp: Hà Nội tốt hơn TP.HCM
Đánh giá về hoạt động kinh doanh của phân khúc khách sạn cao cấp tại Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Công ty TNHH Savills Việt Nam cho biết, trong quý IV/2014, phân khúc khách sạn cao cấp tại Hà Nội có kết quả kinh doanh ấn tượng, cao hơn so với các quý trước. Điều này thể hiện rõ ở cả công suất thuê phòng lẫn giá thuê phòng đều tăng theo quý và theo năm.
Cụ thể, trong quý IV/2014, công suất thuê phòng của các khách sạn cao cấp tại Hà Nội tăng 10% so với quý III/2014 và 3% so với quý IV/2013; trong đó riêng công suất thuê phòng của các khách sạn 5 sao tăng 10% so với quý IV/2013.
Trong quý IV/2014, giá thuê phòng bình quân (ARR) cũng tăng 4% so với quý III/2014, nhờ đó, doanh thu phòng trung bình (RevPAR) tăng 3% so với quý III/2014 và thậm chí tăng tới 23% so với quý IV/2013. Cuối tháng 12/2014, có thêm 2 khách sạn mới tại Hà Nội được chính thức xếp hạng 3 sao, đưa tổng số khách sạn cao cấp (3 – 5 sao) trên địa bàn Thủ đô lên con số 63, với 8.640 phòng, tăng 2% theo quý và 10% theo năm.
Ông Robert Fabiano, Tổng giám đốc Khách sạn JW Marriott Hà Nội cho biết, mục tiêu năm 2015 của JW Marriott Hà Nội là trở thành khách sạn MICE (phục vụ sự kiện, hội nghị…) hàng đầu của Việt Nam. Năm 2014, dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng JW Marriott Hà Nội hiện là khách sạn cso giá thuê phòng bình quân cao thứ ba trong phân khúc khách sạn 5 sao tại Hà Nội, chỉ sau 2 khách sạn Sofitel Legend Metropole và Hilton Opera.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh của phân khúc khách sạn cao cấp tại TP.HCM lại gặp không ít khó khăn. Cụ thể, trong quý IV/2014, công suất thuê phòng trung bình của các khách sạn từ 3 đến 5 sao tại TP.HCM chỉ đạt 68%, giảm 4% so với quý IV/2013. Mức giá phòng trung bình ở phân khúc khách sạn cao cấp là 1,8 triệu đồng/ngày đêm (tương đương 87 USD/ngày đêm), tăng 7% so với quý III/2014, nhưng lại giảm 2% so với quý IV/2013. Đây là mức giá phòng trung bình thấp nhất của quý IV trong vòng 5 năm trở lại đây.
Năm 2014, doanh thu của phân khúc khách sạn cao cấp tại khu vực trung tâm TP.HCM giảm 4%, trong khi tại khu vực ngoài trung tâm giảm mạnh hơn, tới 16% so với năm 2013. Năm 2014, TP.HCM đã đón khoảng 1,3 triệu lượt khách quốc tế, giảm 1% so với năm 2013.
Một số nguyên nhân được nhắc đến, chủ yếu là do nền kinh tế toàn cầu yếu đi khiến cho khách du lịch quốc tế phải thắt chặt chi tiêu; sự xuất hiện của các đường bay thẳng đến một số khu du lịch phía Nam cũng khiến cho chức năng trung chuyển của TP.HCM bị giảm sút.
Về nguồn cung khách sạn tại TP.HCM, theo Công ty Savills Việt Nam, tính đến quý IV/2014, có 23 dự án khách sạn (với khoảng 5.500 phòng) đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Dự kiến, ngay trong năm nay, sẽ có thêm 2 khách sạn 5 sao (với 580 phòng) tại quận 1 được khánh thành và đi vào hoạt động.
Đánh giá về triển vọng thị trường khách sạn Việt Nam năm 2015, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết, trong nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình, Việt Nam đang nâng cấp các sân bay và xây dựng các điểm trung chuyển quốc tế mới, nhằm đáp ứng lượng cầu tăng cao của khách quốc tế; đồng thời tiếp tục miễn thị thực cho 7 quốc gia gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Sự hoàn thành cùa nhà ga T2 Sân bay quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng phục vụ ngành du lịch của TP. Hà Nội.
Những động thái trên tạo điều kiện để thu hút một lượng lớn hơn du khách quốc tế đến Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, là một nơi được Tạp chí Forbes Life bình chọn là “một trong những nơi đáng đến nhất trong năm 2015”.
Theo Baodautu.vn
Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, nhà nghỉ, hotel mini
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: admin