Feb 23 2018

Khởi nghiệp từ kinh doanh homestay (P1)

CafeLand – Thủy là một nhân viên văn phòng tại TP.HCM và yêu thích đi du lịch. Cứ mỗi khi được nghỉ phép hay các dịp nghỉ lễ, cô gái 25 tuổi này đều sắp xếp thời gian để được vi vu theo đam mê của mình.Đến nay, Thủy đã đặt chân đến nhiều vùng miền của đất nước. Cô đặc biệt ấn tượng với những rẻo cao Tây Bắc, nơi có phong cảnh núi rừng hùng vỹ cùng sự đa dạng văn hóa đặc sắc của các đồng bào dân tộc. Cũng như nhiều cô gái khác, Thủy say đắm Đà Lạt, thành phố mang vẻ đẹp nhẹ nhàng, lãng mạn.

Khởi nghiệp từ kinh doanh homestay

Khởi nghiệp từ kinh doanh homestay

 

Như ở nhà mình

Trước đây, mỗi khi lên Đà Lạt, Thủy phải lựa chọn khách sạn hoặc nhà nghỉ để ở lại. Loại hình lưu trú này gò bó và không có gì đặc biệt, chẳng khác nào một phòng trọ. Trong một lần được bạn bè giới thiệu, Thủy tìm đến homestay và ấn tượng ngay với những cơ sở lưu trú dạng này.

“Homestay được làm ngay giữa rừng thông. Thiết kế độc đáo, không gian mở như hòa trộn chung vào thiên nhiên. Đặc biệt, mình có thể thoái mái nấu ăn, đi dạo, trồng hoa. Đó là những cảm giác gần gũi, thích thú mà nhà nghỉ, hay khách sạn không bao giờ có được”, Thủy bộc bạch.

Sau lần trải nghiệm homestay, một ý định kinh doanh táo bạo đã nảy ra trong đầu cô gái trẻ. Bỏ việc ở Sài Gòn, Thủy chuyển hẳn lên Đà Lạt để sinh sống. Ban đầu, Thủy tìm kiếm một công việc để làm tại vùng đất mới. Cô cho biết, đây là cách để cô hiểu rõ hơn về thành phố này. Đồng thời, quãng thời gian này là lúc để Thủy đi học hỏi và tìm hiểu thị trường của hình thức kinh doanh homestay.

Hơn một năm sau, với số vốn tích lũy cùng kinh nghiệm đã học hỏi, Thủy quyết định thực hiện những ý tưởng nung nấu bấy lâu của mình. Cô đã may mắn tìm được một chủ nhà ở Đà Lạt và họ đồng ý cho Thủy được thực hiện mô hình homestay trên mảnh đất của mình. Đổi lại, Thủy sẽ trích một khoản tiền sau khi thu được để trả công cho gia chủ.

Ngôi nhà Thủy lựa chọn nằm ở lưng chừng đồi rất đẹp, khu vườn rộng và cũng có khá nhiều cây xanh. Homestay có vị trí thuận lợi khi nằm gần trường cao đẳng, chợ đêm, nhà thờ Con Gà, hồ Xuân Hương…

Thủy bắt tay vào thiết kế homestay với kinh nghiệm đã học được cùng chút hoa tay khéo léo của bản thân. Năm căn phòng được thiết kế độc đáo, năng động hướng đến nhóm đối tượng trẻ tuổi, các bạn yêu thích phượt. Phần lớn không gian được dành cho cây cảnh, cô trồng thêm các loại hoa, đặc biệt là hoa hồng…

Sau 7 tháng vận hành, homestay của Thủy đã có được lượng khách ổn định. 5 căn phòng thường xuyên kín chỗ. Đặc biệt, các dịp lễ nhu cầu khách tăng nhiều lần khiến cô phải tìm cách từ chối khéo.

Bạn Linh, đang cùng nhóm bạn của mình tận hưởng những ngày nghỉ tại homestay này chia sẻ: “mình thích loại hình du lịch này vì nó gần gũi với thiên nhiên. Được ở chung với gia chủ và làm những gì mình thích như nấu ăn, trồng rau hay thăm vườn khiến mình hiểu thêm về con người và vùng đất nơi đây. Đặc biệt, du lịch kiểu như vậy khiến mình cảm thấy thoải mái như đang ở nhà của chính mình”.

Bài học vỡ lòng

Nhìn lại thành quả của mình, Thủy tâm sự, cái thành công nhất với cô bây giờ là đã thỏa mãn được đam mê và tình yêu dành cho Đà Lạt. Tuy nhiên, con đường đã trải qua cũng đầy khó khăn và trước mắt vẫn còn nhiều thử thách.

Theo cô chủ trẻ này, làm được homestay là chuyện mừng nhưng giữ và phát triển được nó hay không đòi hỏi rất nhiêu yếu tố từ con người, vốn, kinh nghiệm đến ý tưởng. Phải làm sao để mô hình của mình luôn mới và thu hút. Đặc biệt, các mô hình homestay hiện nay đang chủ yếu hướng tới giới trẻ năng động, luôn đòi hỏi sự khác biệt. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ.

Ông Nguyễn Thành Viên, Tổng giám đốc Zo Group, đơn vị đang quản lý và vận hành loại hình này chia sẻ, trong kinh doanh homestay, cái mới và độc đáo sẽ hấp dẫn người tới lưu trú. Nếu thay đổi mà không làm ảnh hưởng đến kết cấu của căn nhà và chi phí không quá cao thì nên thay đổi. Thậm chí là thay đổi theo mùa để tạo ra các phong cách, xu hướng khác nhau.

“Khi chúng tôi làm một mô hình nào đó thì đội ngũ thường ngồi lại với nhau nghiên cứu rất lâu. Chúng tôi phải bỏ tiền để tham khảo những mẫu thiết kế của tương lai chưa từng được sử dụng trước đó. Tuy nhiên, chúng tôi không copy nguyên mẫu đó mà chỉ chắt lọc những sự độc đáo rồi tạo ra những thiết kế riêng của mình”, ông Viên nói.

Ông Viên lưu ý, với mô hình kinh doanh homestay khởi nghiệp, ý tưởng luôn đi liền với chi phí đầu tư. Thường thì những bạn trẻ khởi nghiệp với nguồn vốn hạn hẹp, do đó kinh nghiệm là dùng những vật liệu có sẵn, hoặc cái nào có chi phí rẻ và tiện hơn thì dùng và biết cách biến khuyết điểm thành ưu điểm. Ví dụ, nhiều homestay mua lại những cái pallet rồi đưa về sơn sửa, thiết kế lại tạo nên những chi tiết rất đẹp, độc đáo cho căn phòng. Chi phí mua pallet rẻ hơn rất nhiều so với việc bạn mua gỗ về thiết kế nhưng chất lượng sử dụng, thẩm mỹ không hề thua kém.

Bên cạnh chất lượng dịch vụ, hình ảnh của homestay là rất quan trọng. Do đó, sau khi thiết kế hoàn chỉnh nên thuê đội ngũ chụp ảnh, quay phim chuyên nghiệp để chụp ảnh đăng lên các trang quảng cáo. Không nên tiếc tiền khoản này, nhiều người tự chụp bằng điện thoại không đẹp khiến giá trị hình ảnh của homestay kém đi trong mắt du khách.

Giữ chân du khách, tạo thiện cảm để cho họ quay lại lần sau cần đến sự chu đáo của chủ nhà. Nếu bạn trực tiếp làm thì nên nói chuyện với du khách để tăng tính tương tác và hiểu nhau hơn giữa hai bên. Trong trường hợp quá đông, bạn buộc phải sử dụng nhân viên thì cũng cần chú ý, huấn luyện từng cử chỉ, cách giao tiếp của nhân viên để khách hàng có được sự hài lòng nhất.

Những thách thức

Loại hình du lịch homestay xuất hiện ở Việt Nam khoảng hơn 20 năm trước. Thủ phủ của hình thức du lịch này đầu tiên phải kể đến các tỉnh thành ở vùng Tây Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Sapa, Điện Biên… Sau đó, homestay lan rộng xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh miền Trung và Tây nguyên như Quảng Nam (Hội An), Huế hay Đà Lạt.

Ban đầu, loại hình này hướng đến phục vụ đối tượng chủ yếu là du khách nước ngoài. Khi đi du lịch homestay, du khách sẽ được ăn ngủ và sinh hoạt tại nhà của người dân. Nói cách khác khách du lịch sẽ trở thành một thành viên trong gia đình, được mặc trang phục truyền thống, làm những công việc hằng ngày với gia chủ, cùng nấu ăn… Loại hình homestay sau đó được phát triển mạnh và được ưa chuộng bởi nó mang lại cảm giác gần gũi, thoải mái, giúp người du khách hiểu được văn hóa truyền thống cũng như tính cách người dân địa phương.

Nhu cầu ngày càng lớn, không chỉ du khách nước ngoài mà người Việt cũng muốn khám phá loại hình này. Do đó, mô hình kinh doanh homestay đã phát triển mạnh thời gian gần đây. Tuy nhiên, để thành công với homestay không phải là chuyện dễ dàng.

Ông Viên chia sẻ, kinh doanh homestay có lợi thế bởi tiềm năng của nó rất lớn nhưng bên cạnh cũng là vô vàn khó khăn. Theo ông, hiện nay nhiều người khởi nghiệp kinh doanh homestay suy nghĩ đơn giản rằng chỉ cần có ý tưởng, có vốn để thành lập cơ sở lưu trú. Sau đó sử dụng maketing online đẩy thông tin lên là có người đến ở. Thế nhưng, thực tế đòi hỏi rất nhiều thứ khác.

Homestay xuống phốNói đến homestay, nhiều người nghĩ ngay một nơi xa xôi hoàn toàn cách biệt với thành phố. Tuy nhiên, hiện nay nhiều homestay đã thu hẹp khoảng cách để người thành phố có thể di chuyển dễ dàng hơn, đặc biệt cho những người có quỹ thời gian ít ỏi muốn tranh thủ dịp cuối tuần về nghỉ ngơi.Anh Truyền, chủ nhân của một homestay tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), cho biết lý do anh chọn homestay là muốn tìm một chỗ nghỉ ngơi, thư giãn cho gia đình và bạn bè mỗi dịp cuối tuần. Homestay chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 20km nên rất thuận tiện để di chuyển.Trên diện tích 1,5ha, anh Truyền thực hiện homestay theo kiểu miệt vườn miền Tây. Các chòi làm bằng tre, lợp mái lá dựng trên hồ sen. Rừng dừa nước xanh ngát cùng những bông hoa súng, cây cầu khỉ… tạo ra cho du khách một không gian Nam bộ thuần khiết, thoải mái. Người về đây ở có thể đi dạo trong vườn, câu cá, hay cùng nhau làm những món ăn truyền thống. Tối ngủ thì nghe tiếng đớp bèo của cá, sáng dậy được đánh thức bởi tiếng chim ríu rít trên những rặng dừa…Anh Tùng, một môi giới bất động sản tại khu vực quận 1, TP.HCM cho biết, những năm gần đây rất nhiều khách hàng nhờ anh tìm các căn nhà tại khu vực trung tâm thành phố để thuê lại.

Mục đích của họ là cải tạo và tạo nên các homestay cho khách nước ngoài thuê lại. Khác với khách sạn hay nhà nghỉ, những homestay này thường giao quyền tự quyết cho người thuê. Họ như một người chủ thật sự, có thể tự nấu nướng và làm việc với các dụng cụ trong căn nhà. Loại hình này được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn vì thoải mái và ấm cúng hơn so với ở khách sạn.

Anh Tùng cho biết, những vị trí mà khách hàng muốn tìm nhà thuê thường là khu vực trung tâm, đặc biệt gần các phố đi bộ, những nơi có du khách nước ngoài đông đúc. Thời gian thuê tối thiểu phải từ 3 năm trở lên.

(còn tiếp)

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, nhà nghỉ, hotel mini

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*