Khách sạn lo mất khách vì Airbnb
Mô hình chia sẻ Airbnb đã bắt đầu cắn những miếng bánh đầu tiên của thị trường lưu trú truyền thống tại Việt Nam.
Nếu lúc trước, căn nhà của bà Phi Yến (Cô Bắc, phường 9, Đà Lạt) chỉ đông người vào ngày Tết khi con cháu tụ tập, thì từ ngày sửa sang nhà cửa, cho khách thuê 2 phòng trống trong nhà dưới dạng homestay, ngôi nhà rộn ràng hẳn. “Nhà tôi tiếp đủ khách trong nước, ngoài nước, thu nhập lai rai”, bà nói. Không quá xa trung tâm thành phố, phòng ốc gọn gàng, chủ nhà giao tiếp được bằng tiếng Anh, gia đình bà Yến sau 1 năm làm quen với Airbnb đã dần quen cách kiếm tiền qua mô hình này.
Airbnb là một ứng dụng kết nối người cho thuê và khách thuê phòng không còn xa lạ trên thế giới. Airbnb đang có hơn 2,3 triệu phòng cho thuê trên toàn cầu, gấp đôi số phòng của đế chế khách sạn Marriott-Starwood. Ra đời bởi ý tưởng của những chàng sinh viên tại Mỹ, Airbnb là website kết nối chủ phòng trọ/chủ nhà nhàn rỗi và khách thuê phòng. Tất cả việc thanh toán thông qua thẻ tín dụng. Airbnb kiếm tiền từ thu khoản phí, thường là 3% với chủ nhà và 6-12% với người thuê. Người thuê và chủ nhà đánh giá nhau sau mỗi lần thuê để làm cơ sở đánh giá cho những lượt thuê sau. Chỉ cần một đánh giá không tốt, khách thuê hay chủ phòng cho thuê sẽ khó được chọn bởi những khách hàng đã xem qua đánh giá trước đó.
Ngoài Airbnb, thì VBRO, Homeaway, Couchsurfing, Home Exchange… là những mô hình tương tự mang đến trải nghiệm homestay địa phương cho du khách. Ở Mỹ, qua Airbnb, những khách hàng may mắn còn tìm được những ngôi nhà độc đáo trên cây, trong vách núi hay giữa thảo nguyên.
Sau 9 năm xuất hiện, startup Airbnb đã bùng nổ tại hơn 100 quốc gia và được định giá tối thiểu 30 tỉ USD, chỉ đứng sau Uber và Xiaomi. Theo khảo sát mới đây của Morgan Stanley, 49% người được hỏi cho biết sẽ chọn Airbnb thay cho khách sạn truyền thống trong những chuyến đi chơi hay công tác của mình. Giá rẻ không hẳn là lý do chính, vì khảo sát trên cho thấy 71% người dùng Mỹ sử dụng Airbnb có thu nhập hơn 75.000 USD/năm.
Dù chưa chính thức, Airbnb đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2015 với 1.000 phòng cho thuê. Con số này đã tăng gấp 6,5 lần tính đến hiện tại, tập trung ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, khách hàng có thể tìm thấy hàng ngàn căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng tại Sapa, Đà Nẵng, Hạ Long… với giá rẻ hơn khoảng 30%. Theo Airbnb vừa công bố, thủ đô Hà Nội xếp thứ 6 trong danh sách điểm đến dựa trên lượng khách thuê phòng năm 2017.
Thời điểm mới xuất hiện, người cho thuê nhà chủ yếu là người nước ngoài và Việt kiều đang sinh sống ở Việt Nam. Các khu căn hộ cao cấp, gần trung tâm như Saigon Pearl, The Manor, Tropic Garden… dễ dàng cho thuê với giá khoảng 2 triệu đồng/ngày.
Việt Nam là một thị trường nhanh nhạy khi có đến 1/3 số chủ nhà sở hữu trên 1 cơ sở cho thuê, tức họ là những người cho thuê nhà kiếm lời chuyên nghiệp chứ không chỉ là những chủ nhà tận dụng không gian nhàn rỗi. Tỉ lệ đối tượng này ở Việt Nam khá cao (khoảng 30%), hơn hẳn Paris 9%, New York 16% hay Sydney 17%, theo Airbnb. Thành Vinh (TP.HCM) là một nhà đầu tư gia nhập Airbnb từ năm 2015 kinh doanh chuyên nghiệp với khoảng 250 phòng đi thuê, sửa sang và cho thuê lại qua Airbnb, doanh thu hằng tháng của anh Vinh ổn định khoảng 500 triệu đồng/tháng.
Đại diện nhiều khách sạn tại TP.HCM, đặc biệt là các khách sạn 3 sao nhìn nhận, khoảng vài năm gần đây các căn hộ dịch vụ cho thuê, hay cho thuê phòng qua trang mạng Airbnb ở Việt Nam ngày càng nở rộ và bắt đầu chia sẻ thị phần với thị trường lưu trú truyền thống. Vì thế, dù khách du lịch đến Việt Nam tăng mạnh trong năm 2016 nhưng giá phòng của các khách sạn 4-5 sao lại không tăng nhiều như trong năm 2014.
Đó là lý do ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, cho rằng chỉ trong năm tới, Airbnb sẽ trở thành mối đe dọa với các hệ thống khách sạn, nhất là phân khúc tầm trung vì có cùng đối tượng khách hàng. Theo dự đoán của Euromonitor, Airbnb sẽ trở thành thương hiệu khách sạn lớn thứ 2 trên thế giới vào năm 2020 xét về tổng doanh số bán phòng khoảng 40 tỉ USD, chỉ xếp sau Marriott-Starwood. Hiện có khoảng 6.500 cơ sở tại Việt Nam tham gia kiếm tiền từ trang web này, tính đến giữa năm 2017. Sự thành công của mô hình trên được định hình từ văn hóa chia sẻ, cơ sở hạ tầng, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin phổ biến trên các thiết bị di động.
Ngoài những dịch vụ đại trà như Airbnb, một số mô hình chia sẻ chỗ ở cũng tìm được lối đi riêng khi chỉ tập trung một ngách thị trường nhất định. Một quỹ đầu tư Nhật vừa hoàn tất rót vốn vào Luxstay, startup cho thuê nhà trực tuyến từ Singapore, có đồng sáng lập là người Việt. Chia sẻ với NCĐT, đại diện Luxstay cho biết mô hình tập trung vào phân khúc cao cấp, giá thuê trung bình 1 triệu đồng/căn hộ 2 người/ngày. Số căn hộ cho thuê trên trang web đang phát triển, tăng 200% trong quý III vừa rồi.
Luxstay nhận thấy tiềm năng ở thị trường Việt một phần vì nền văn hóa phong phú, đa dạng của Việt Nam có thể khai thác yếu tố vùng miền, nhất là vùng núi phía Bắc. Không chỉ đi chơi hay công tác xa người ta mới đặt homestay, mà một nhóm bạn họp mặt cuối tuần cũng có thể chọn một căn homestay ấn tượng để đổi gió trong lòng thành phố.
Tương tự Grab hay Uber, các cơ quan chức năng vẫn gặp lúng túng khi quản lý những mô hình kinh tế chia sẻ như Airbnb. Những chiếc điện thoại thông minh đang có nhiều quyền năng hơn chúng ta tưởng khi những tiến bộ công nghệ đang làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp du lịch. Dù xung đột với mảng kinh doanh truyền thống nhưng không thể phủ nhận những mô hình mới đem lại cơ hội kiếm tiền cho tất cả mọi người và khách hàng là người hưởng lợi với những dịch vụ chất lượng và giá cả hợp lý hơn.
Lan Anh
Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, hotel mini Skyhotel
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: admin