Sep 25 2014

Khách sạn đang là kênh đầu tư hấp dẫn

Khách sạn đang là kênh đầu tư hấp dẫn

Nhu cầu khách sạn đang tăng cao. Đặc biệt, những yếu tố kinh doanh tại thị trường Việt Nam là tương đối tốt. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài không có lý do gì không hướng tới đầu tư khách sạn ở Việt Nam như là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Từ năm 2010 tới 2013, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào mảng kinh doanh BĐS khách sạn ở Đông Nam Á tăng mạnh. Các nghiên cứu của CBRE chỉ ra rằng, trong năm 2013, mỗi quý có khoảng 8-9 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này. Khi mà các khu vực như Hong Kong, Singapore và Tokyo có giá BĐS quá cao, lại đang trong xu hướng tiếp tục tăng, các nhà đầu tư bị thúc đẩy tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới ở Đông Nam Á, trong đó sự quan tâm đặc biệt dành cho Việt Nam.


Khách sạn Hilton Hà Nội

Ông Robert McIntosh, Giám đốc mảng khách sạn của CBRE Singapore cho biết: “Những nhà đầu tư chân chính đang dần lộ diện, đặc biệt là nhà đầu tư tìm kiếm những khách sạn chất lượng cao tại các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á. Một trong những điểm tích cực nổi lên là tỷ suất sinh lời hấp dẫn hơn trong lĩnh vực đầu tư khách sạn nhờ vào sự cải thiện trong tình hình kinh tế của Việt Nam”.

Đại diện CBRE cho biết, qua nghiên cứu thì khối lượng tiền đầu tư vào khách sạn tăng lên rõ rệt theo từng quý. Do vậy, chúng ta có thể nhận định một cách rõ ràng hiện tại đang có xu hướng các nhà đầu tư đang tìm hiểu và muốn đầu tư vào dịch vụ khách sạn tại khu vực Đông Nam Á so với trước năm 1997. “Khối lượng giao dịch thậm chí còn lớn hơn Hong Kong, Tokyo”, ông Robert McIntosh khẳng định.

Bên cạnh đó, nhu cầu khách du lịch nội địa trong 3 năm gần đây của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, mức tăng trưởng trung bình từ 7 – 8%/năm. Nhu cầu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng, dù còn ở mức chậm 3 năm gần đây (mức tăng lần lượt 19,1% trong năm 2011, 13,9% năm 2012 và 11% trong năm 2013). Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2014 đã cho thấy sự hồi phục tích cực với mức tăng hơn 26%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển hướng quan tâm của du khách đến với Việt Nam là do tình hình chính trị bất ổn ở Thái Lan. Khách du lịch quan tâm đến khu vực Đông Nam Á đang hướng đến các nước khác trong khu vực.

Theo ông Robert McIntosh, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn ở Việt Nam đang được cải thiện trong 3 năm gần đây. Tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ này đang tiến gần hơn và dần ngang bằng với một số thành phố châu Á khác như Bangkok của Thái Lan, Jakarta của Indonesia. Nguồn cung tương lai về phòng khách sạn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tăng trong ba năm tới với tổng mức tăng khoảng 8% (Kuala Lumpur của Malaysia tăng 20% và Jakarta tăng 40%), với giả định rằng tất cả các dự án đề xuất đều đang được xây dựng.

Báo cáo của CBRE cũng đưa ra một điểm đáng lưu ý về thị trường khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam, đó là “Hiện tượng Đà Nẵng”. Hiện du lịch Đà Nẵng đang tăng trưởng mạnh về mọi mặt, cả doanh số, khách du lịch cho tới công suất thuê phòng. “Có một sự tiến bộ của Đà Nẵng so với những điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới, trong những năm qua, Đà Nẵng đã bắt kịp những thành phố này. Với tình hình kinh doanh như vậy đã tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư BĐS khách sạn về thị trường này”, ông Robert McIntosh cho biết thêm.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có sự phát triển mạnh, đầu tư lớn về hạ tầng, có nhiều khách sạn chất lượng. Nhu cầu khách sạn đang tăng cao. Đặc biệt, những yếu tố kinh doanh tại thị trường Việt Nam là tương đối tốt. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài không có lý do gì không hướng tới đầu tư khách sạn ở Việt Nam như là một kênh đầu tư hấp dẫn.

Trường Sơn

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, hotel mini Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*