Khách sạn cao cấp Hà Nội ế vẫn xây thêm
Tuy không có nhiều phong cảnh đẹp, nhưng Hà Nội lại là một thành phố có nhiều điểm tham quan lịch sử và lối sống giàu văn hóa. Bởi vậy, thủ đô Hà Nội được coi là một điểm đến không thể thiếu đối với du khách nước ngoài đến với Việt Nam, đặc biệt khi mới đây, Hà Nội đã lọt vào danh sách 10 thành phố hấp dẫn du khách nhất thế giới năm 2014 do TripAdvisor công bố.
Xác định du lịch là một ngành kinh doanh nhiều tiềm năng nên Hà Nội cũng rất chú trọng vào dịch vụ lưu trú. Hiện trên địa bàn Hà Nội có 57 khách sạn 3-5 sao với gần 8.200 phòng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Không dừng lại đó, thành phố vẫn tiếp tục cấp phép cho nhiều dự án khách sạn cao cấp, mà riêng trong quý 1 năm nay thủ đô đã có thêm 3 khách sạn 3 và 4 sao với khoảng 200 phòng. Bên cạnh đó, vẫn còn 36 dự án khách sạn đang được triển khai và 31 dự án vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Tuy nhiên, tốc độ đầu tư này có thể coi là quá ồ ạt khi cầu vẫn chưa đuổi kịp cung. Công suất sử dụng phòng tại Hà Nội còn yếu, tỷ lệ phòng trống ở các khách sạn đặc biệt là phân hạng cao cấp còn khá cao. Theo một kết quả khảo sát mới đây cho thấy, quý 4 năm 2013 các khách sạn mới chỉ “bán” được 60% công suất phòng. Điều đó phản ánh tình trạng thừa cung và sự cạnh tranh giữa các khách sạn trong cùng phân khúc và giữa các phân khúc đang cực kỳ khốc liệt.
Bên cạnh lý do suy thoái kinh tế thì các chuyên gia còn nhận định rằng khuyết điểm lớn nhất của khách sạn tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là sự thiếu đa dạng về thương hiệu, công tác marketing chưa thực sự nổi bật và còn thiếu tính chủ động. Ngoài ra, trên thị trường mới chỉ nổi lên hai phân khúc chủ yếu là cao cấp và bình dân, trong khi các khách sạn ở mức trung bình có thể đáp ứng được phần đông khách hàng có nhu cầu thì lại không nhiều.
Để có thể tránh lỗ và tồn tại, nhiều đơn vị khách sạn cao cấp đã phải chuyển trọng tâm kinh doanh. Một số khách sạn có địa điểm đẹp thì đẩy mạnh dịch vụ tiệc, hội nghị. Các khách sạn lớn thì chuyển đổi một phần phòng sang dịch vụ cho thuê căn hộ.
InterContinental Hồ Tây đã cải tạo một phần khu phòng nghỉ thành căn hộ để cho thuê. Bởi theo đánh giá của khách sạn này thì hiện nay khách sang Việt Nam công tác dài ngày, hay kinh doanh thường có nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ trong vài tháng. Bởi vậy, InterContinental đã chuyển đổi dịch vụ một phần để phục vụ đối tượng khách này. Theo đó, mỗi căn hộ sẽ có 2-3 phòng ngủ và có những khu sinh hoạt riêng như ở gia đình.
Tương tự Sofitel Plaza cũng mở dịch vụ cho thuê căn hộ như một giải pháp lấp đầy phòng trống cũng như lôi kéo khách hàng quen thuộc. Từ nhiều năm nay, Deawoo cũng đã kinh doanh dịch vụ căn hộ song song với dịch vụ cho thuê văn phòng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của khách sạn cao cấp này.
Mặc dù tỷ lệ phòng trống còn cao, song các khách sạn vẫn tỏ ra lạc quan sự đổi dòng sẽ nhanh chóng diễn ra. Bởi thực tế, dù công suất chỉ đạt 60% song vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Số phòng bán được bình quân của khối khách sạn 3-5 sao trong quí 1-2014 đã tăng 5% so với quí trước đó và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, lượng khách đến Hà Nội trong những tháng đầu năm nay vẫn tiếp tục tăng. khách quốc tế đạt 705.000 lượt, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái; khách nội địa là 4,87 triệu lượt, tăng 8%. Các chủ đầu tư cũng tin tưởng rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch hơn cả Thái Lan. Mà cách đây từ 10 năm trước Thái Lan đã thu hút được 20 triệu du khách thì không cớ gì Việt Nam lại không thể đạt được mức đó khi mà nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng cao.
Niềm tin của các lãnh đạo khách sạn không phải là vô căn cứ, tuy nhiên, công suất phòng và giá thuê bình quân chưa đủ cao để đạt mức lợi nhuận kỳ vọng và cần thiết của chủ đầu tư, đặc biệt ở phân khúc cao cấp cũng là một khó khăn để có thể duy trì cho đến lúc thị trường khởi sắc .Hơn nữa, khi một loạt dự án mới đi vào hoạt động, đặc biệt là sự tham gia của các tên tuổi trên thế giới như JW Marriott, InterContinental Landmark, Lotte thì áp lực cạnh tranh là rất lớn, việc duy trì hoạt động ở mức như hiện tại cũng đã là một thách thức đối với các khách sạn trong 2-3 năm tới.
Đối với những dự án mới hoặc chưa triển khai thì lại là một thách thức khác, bởi những dự án này được lập từ nhiều năm trước, khi thị trường còn đang tốt, công suất khai thác thường ở mức tốt (trên 80%) với giá cho thuê cao. Nhưng nay, thị trường đã thay đổi ngược lại nên muốn hoạt động tốt thì các dự án này phải cần được điều chỉnh cả về quy mô lẫn quy cách kinh doanh để thích với thực trạng mới. Đặc biệt, chủ đầu tư cần có năng lực tài chính, có chiến lược dài hạn và linh hoạt. Việc xác định nhu cầu của khách hàng mục tiêu của từng dự án cần được phân tích và cân nhắc hết sức kỹ lưỡng…
Theo các chuyên gia, ngành du lịch hay khách sạn thì tầm nhìn dài hạn không phải một năm mà phải là 12 năm. Bởi vậy nếu có một tầm nhìn dài hạn và có đủ năng lực tài chính để có thể sẵn sàng “nằm vùng” thì phân khúc khách sạn vẫn có rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư biết “kiên nhẫn” và “dạn đòn”.
Tăng doanh thu với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: Skyhotel