Quản lý khách sạn – Hãy dấn thân & trải nghiệm tình yêu nghề
* Phóng viên: Anh đến nghề quản lý khách sạn do ý thích từ thời trẻ, hay do duyên cớ gì?
– Ông Nguyễn Đông Hòa: Chắc chắn là do duyên phận, ngày xưa tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về du lịch và nghề Quản lý Khách sạn cả và tôi cũng đã trải qua nhiều nghề trước khi gắn bó với nghề này. Tôi còn nhớ khi học lớp 6 trong giờ tập làm Văn miệng với đề bài “Ước mơ làm nghề gì ?” tôi đã chọn nghề Kỹ sư địa chất vì “đất nước ta có rừng vàng biển bạc, nhiều tài nguyên phong phú nhưng chúng ta vẫn chưa khai thác được nhiều, đất nước ta vẫn còn nghèo, vẫn thường xuyên bị cúp điện nên em ước sau này thành Kỹ sư địa chất để mang về tài nguyên cho đất nước…”. Lúc đó, động cơ thúc đẩy chọn nghề này chỉ là vì tôi phải chịu cảnh cúp điện thường xuyên, không coi được bộ phim “Cô bé từ trên trời rơi xuống” trên tivi! Khi chọn Đại học, tôi cũng không hề nghĩ đến kinh tế hay du lịch gì cả mà chọn Thể dục thể thao, chỉ vì nghĩ mình thích thế thôi. Thế rồi do bản tính tự lập nên tôi quyết định đi làm khá sớm và công việc đầu tiên tôi xin được là làm việc tại một nhà trọ trên đường Lê Thánh Tôn. Làm được một thời gian ngắn thì được lên làm Tiếp tân. Đây cũng là cơ hội để tôi nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh và quyết định ghi danh học thêm tiếng Anh buổi tối. Sau đó với vốn liếng tiếng Anh, tôi được nhận vào làm Bảo vệ (Security) tại khách sạn Norfolk và ghi danh học ĐH Quản trị Kinh doanh. Sau này khi làm việc cho Công ty Huy Hoàng, cũng do có kinh nghiệm làm việc trong khách sạn nên tôi được giao làm Quản lý Resort Thùy Dương 3 sao tại Phước Hải (BR-VT). Tất cả dường như do cuộc đời đưa đẩy. Chỉ đến khi tôi quyết định xin vào Chương trình CT300, và phải chọn ngành chuyên môn để đào tạo Thạc sỹ, thì tôi mới ngồi lại “kiểm điểm cuộc đời” và nhận ra mình thật sự thích và có nhiều thuận lợi trong lĩnh vực du lịch và khách sạn. Chính vì vậy, tôi đã quyết định chọn lĩnh vực này và xin được đào tạo tại Pháp.
* Trong thời gian qua (6 tháng đầu năm 2013), Anh có thể giới thiệu đôi nét về hoạt động kinh doanh và những dịch vụ mới phục vụ cho du khách quốc tế?
– Doanh thu từ phòng chiếm khoảng 54% tổng doanh thu của toàn Khách sạn, bao gồm khách đặt phòng qua mạng, khách lẻ của các công ty du lịch và khách của các công ty đối tác. Doanh thu từ dịch vụ ẩm thực chiếm khoảng 34% tổng doanh thu với đa số là doanh thu từ tiệc cưới, hội họp và sự kiện của các công ty. Phần còn lại trong tổng doanh thu là từ các dịch vụ khác như: Trung tâm chăm sóc sức khỏe, Gift Shop, dịch vụ Thư ký…So với cùng kỳ năm ngoái, tổng doanh thu của Khách sạn không tăng nhưng GOP tăng 12% nhờ chính sách chi dùng đúng đắn cũng như nhạy bén trong việc phát huy thế mạnh vốn có, tìm hiểu, nắm bắt thị trường một cách nhanh nhay để tận dụng hiệu quả các cơ hội trước mắt.
Tháng 9 năm 2012, Khách sạn Caravelle, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành, chính thức xây dưng và tự quản lý Dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp Kara Salon & Spa, sự kết hợp tuyệt vời giữa đẳng cấp sang trọng và sự hiếu khách của người Việt Nam. Cái tên “Kara” được lấy từ phiên âm của từ “carat” – biểu tượng sự hoàn hảo thể hiện trong từng chi tiết. Tọa lạc trên tầng 7 của Khách sạn Caravelle, với diện tích khoảng 750m2 được thiết kế bằng gỗ và đá cẩm thạch, Kara có 2 phòng VIP và 8 phòng trị liệu chuyên biệt, với tầm nhìn bao quát quang cảnh của Nhà hát Thành phố và Công trường Lam Sơn. Khu vực mátxa chân riêng biệt, với 8 dãy ghế hướng tầm nhìn của khách ra không gian xanh mát của hồ bơi.
Tháng 6 vừa qua, Khách sạn vừa hoàn tất việc tu sửa hồ bơi, một công đoạn của quá trình “đại trùng tu” toàn bộ khách sạn, với các nhiệm vụ chủ yếu như: thay gạch trong lòng và sàn hồ bơi, thay thế hệ thống chiếu sáng cũ bằng dàn đèn LED, giúp tiết kiệm điện và đồng thời mang lại cho bồ bơi một vẻ ngoài tươi mới và sinh động hơn. Đối với những khách có thói quen bơi buổi tối, khi không gian xung quanh chỉ thật sự sáng lên nhờ vào ánh nước xanh lung linh, huyền ảo, thì không gì thú vị hơn cảm giác như đang trầm mình dưới làn nước biếc của một vùng biển nhiệt đới xa xôi, nơi những rặng san hô đang nhảy múa như mời chào.
Khi nhắc đến Khách sạn Caravelle không thể nào bỏ qua một trong 10 địa điểm giải trí thú vị, được du khách yêu thích nhất của Ngành Du lịch TPHCM, Saigon Saigon Bar. Mở cửa từ năm 1959 và là địa điểm đầu mối trao đổi thông tin của những Phóng viên chiến trường thời ấy, Saigon Saigon Bar hiện nay vẫn tọa lạc tại tầng 10 của tòa nhà cũ của Khách sạn, luôn giữ nguyên nét đặc trưng nguyên thủy đến ngày nay. Với không gian ngoài trời thoáng đãng và tầm nhìn toàn cảnh Thành phố tráng lệ, đặc biệt là vào buổi tối, đây là địa điểm tuyệt vời để ngắm mặt trời lặn lung linh dưới những ánh đèn của Thành phố và gặp gỡ, thư giãn cùng bạn bè. Những vũ điệu sôi động và nóng bỏng của Ban nhạc nổi tiếng phục vụ hằng đêm luôn là điểm nhấn khiến không gian nơi đây sẽ rộn ràng và nhiều màu sắc.
Ngoài các tiêu điểm trên, là một trong những Khách sạn 5 sao hàng đầu của Thành phố, với phần lớn khách là người nước ngoài, Khách sạn Caravelle luôn ưu tiên chú trọng đặc biệt đến dịch vụ khách hàng. Khách sạn luôn luôn đi đầu trong việc chăm sóc cũng như cung cấp dịch vụ ở mức tốt nhất, đảm bảo cho sự thoải mái và hài lòng của khách luôn được duy trì ở mức tối đa. Cũng với tiêu chí này, Ban Quản lý Khách sạn đã thống nhất nâng đẳng cấp của đội ngũ nhân viên “Quan hệ khách hàng” thành “Đại sứ Caravelle” nhằm đảm bảo cho nhu cầu được lắng nghe, thấu hiểu và được đáp ứng từ những yêu cầu và thói quen dù là bình thường nhất của tất cả các khách khi đến và lưu trú tại đây. Chính vì vậy mà Khách sạn Caravelle luôn có một số lượng lớn các khách hàng thân thiết và số lượng này luôn được nhân lên hàng năm.
* Được biết, Anh là một lãnh đạo gắn liền với hoạt động văn nghệ quần chúng của đơn vị, và Khách sạn Caravelle đã từng đoạt nhiều giải thưởng trong Liên hoan Giọng Hát Vàng Ngành Du lịch TPHCM. Theo Anh, hoạt động này giúp gì cho CB, nhân viên Khách sạn?
– Tôi nghĩ các hoạt động về Văn – Thể – Mỹ trong đơn vị mang lại niềm vui và nhiều lợi ích cho nhân viên và doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Đối với cán bộ, nhân viên Khách sạn, các hoạt động này không những nâng cao được sức khỏe và sự cảm thụ về mặt thẩm mỹ, giảm stress, mà còn giúp cho mọi người trong tổ chức xích lại gần nhau và đoàn kết với nhau hơn. Hơn thế nữa, mọi người sẽ học được những bài học quý giá về sự trung thực, lòng quyết tâm, tinh thần đồng đội … để hoàn thiện nhân cách sống và khẳng định các giá trị của bản thân. Tại Caravelle, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc thi về thể thao, văn nghệ, cũng như là các hoạt động từ thiện cho nhân viên. Điều dễ dàng nhận thấy là những bạn tích cực tham gia các phong trào này cũng chính là những nhân viên rất sáng tạo, đa tài và gắn bó lâu dài với đơn vị. Đây cũng là một trong những môi trường rất tốt để chúng tôi có thể đánh giá và lựa chọn các nhân viên quản lý tiềm năng trong tương lai.
* Trong dịp cả nước Kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Anh có tâm sự gì? Được biết, Anh sinh ra trong nhà tù chế độ cũ trước 1975, nay anh đang quản lý Khách sạn Caravelle. Anh có tâm sự gì với bạn đọc và giới trẻ sinh viên yêu nghề khách sạn?
– Cả Ba và Mẹ tôi đều là cựu tù Côn Đảo và thương binh, còn bản thân tôi thì đã từng công tác trong ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, nên ngày này đối với tôi có khá nhiều ý nghĩa và kỷ niệm. Có lẽ không có một đất nước nào trên thế giới phải gánh chịu những cuộc chiến đấu khốc liệt và kéo dài như Việt Nam. Dấu vết của chiến tranh vẫn luôn còn tồn tại ở mọi gia đình. Có đi thăm các gia đình Thương binh Liệt sĩ, nhìn lên bàn thờ với một loạt di ảnh của những người đã mất, hay đi thắp nhang cho các Liệt sĩ vô danh ở các Nghĩa trang với những hàng mộ chạy dài xa tít tắp, chúng ta mới cảm nhận được phần nào nỗi mất mát mà nhân dân ta đã gánh chịu. Chúng ta vẫn còn nhiều và nhiều điều cần phải làm lắm cho những người Thương binh và gia đình của những người đã khuất.
Nghề Quản lý Khách sạn là một nghề mới tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây và đang cần rất nhiều nhân lực. Đây cũng là một ngành rất phù hợp với tính cách của người Việt Nam là hiếu khách, không kỳ thị người nước ngoài và dễ dàng dung hòa, tiếp nhận các giá trị văn hóa mới. Do đó, đã có ngày càng nhiều các bạn trẻ thành công và giữ các chức vị cao trong các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế. Để thành công trong lĩnh vực này, ngoại ngữ là điều kiện cần thiết đầu tiên. Các bạn phải giỏi tiếng Anh và biết thêm một ngoại ngữ khác sẽ là thuận lợi rất lớn. Kiến thức, chuyên môn và các kỹ năng mềm đương nhiên cũng rất quan trọng, nhưng chúng sẽ không đứng ở hàng thứ hai đâu. Nếu các bạn đọc các quảng cáo tuyển dụng của các Khách sạn 5 sao thì hầu hết họ sẽ có câu “Ưu tiên cho những người có kinh nghiệm”. Vậy sinh viên thì lấy đâu ra kinh nghiệm ? Hãy tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi năm thứ nhất. Hãy đăng ký đi làm nhân viên thời vụ ở các Khách sạn lớn trong khu vực bạn học và sinh sống. Hãy dấn thân và học hỏi thực tiễn từ khi các bạn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường. Hãy tích cực hơn nữa trong các đợt đi thực tập của các bạn. Tất cả những trải nghiệm này của các bạn sẽ giúp các bạn xác định rõ mình có thực sự yêu nghề không và chúng sẽ biến thành một vũ khí rất hiệu quả giúp các bạn chiến thắng trong tương lai.
* Xin cám ơn!
Minh Hiếu (Thực hiện)
Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel
- Category: Cẩm nang quản lý khách sạn, Vui buồn nghề khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: Skyhotel