Jul 14 2017

Giá phòng và lợi nhuận khách sạn cao cấp tăng

Báo cáo khảo sát dịch vụ khách sạn của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, năm 2016 các khách sạn và khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao tại Việt Nam có giá phòng và lợi nhuận tăng so với năm 2015.

Theo đó, giá phòng khách sạn 4 sao năm 2016 đạt 75 USD, tăng 3,8% so với năm 2015; giá phòng bình quân cho khách sạn 5 sao giảm nhẹ từ 106,8 USD năm 2015 xuống còn 104,4 USD năm 2016. Giá phòng bình quân của các khách sạn cao cấp năm 2016 nói chung tăng từ 87 USD năm 2015 lên 88,1 USD năm 2016.

Doanh thu trên số phòng sẵn có (RevPar) của khách sạn tăng đối với cả hai loại xếp hạng sao, với mức tăng 10% tại các khách sạn 4 sao và 4,1% tại các khách sạn 5 sao.


Báo cáo khảo sát dịch vụ khách sạn của Grant Thornton Việt Nam cho thấy, năm 2016 các khách sạn và khu nghỉ dưỡng 4 và 5 sao tại Việt Nam có giá phòng và lợi nhuận tăng so với năm 2015.

Năm 2016 đánh dấu một năm phục hồi với ngành khách sạn khi công suất phòng đều tăng đối với cả hai loại 4 và 5 sao. Tuy nhiên, với việc nguồn cung phòng đang có xu hướng tăng và nhiều dự án dự kiến sẽ được ​​ra mắt trong thời gian tới, cạnh tranh trên thị trường khách sạn cao cấp được dự đoán sẽ nóng lên, đặc biệt là đối với phân khúc khách sạn 5 sao.

Các vùng khách sạn được chia thành ba khu vực chính của Việt Nam; miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Nam. Ở miền Bắc, các khách sạn tham gia khảo sát tập trung chủ yếu ở Thủ đô Hà Nội, Sapa và Quảng Ninh. Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các khách sạn tham gia khảo sát nằm ở các thành phố, như: Đà Nẵng, Hội An, Huế, Khánh Hoà, Quảng Bình, Phan Thiết, Đăk Lăk và Đà Lạt. Miền Nam, các khách sạn được khảo sát chủ yếu nằm ở TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Vũng Tàu và khu vực sông Mê Kông.

Trong năm 2016, phân khúc khách sạn cao cấp đạt được mức lợi nhuận trước chi phí lãi vay, thuế, và khấu hao (EBITDA) cao hơn năm 2015 với mức tăng là 1,7%. Trong khi tỷ trọng chi phí cố định và khoản dự phòng tài sản trang thiết bị (FF&E Reserve) gần như tương đương cho cả 2 năm, EBITDA năm 2016 cao hơn chủ yếu là do chi phí bộ phận và chi phí hoạt động không phân bổ có xu hướng giảm đi.

Đối với mục đích lưu trú, khách du lịch cá nhân, khách du lịch theo đoàn và khách thương nhân chiếm tổng cộng hơn 3/4 (77,6%) tổng số khách lưu trú tại các khách sạn cao cấp năm 2016. Ba phân khúc khách trên chiếm lần lượt 83,1% và 71,8% tổng số khách cho khách sạn 4 sao và 5 sao.

Nhìn chung, cơ cấu tỷ trọng các kênh đặt phòng có xu hướng tương tự năm 2015. Kênh đặt chỗ phổ biến nhất tại các khách sạn 4 sao và 5 sao vẫn là các công ty lữ hành và nhà điều hành tour với tỉ trọng 37,3%. Tuy nhiên tỷ lệ này đã giảm dần trong những năm qua, và tiếp tục giảm 3,1% so với 2015.

Phân tích theo xếp hạng sao, các khách sạn 4 sao có tỷ lệ đặt phòng cao hơn thông qua các công ty lữ hành và nhà điều hành tour ở mức 41,3%, trong khi các khách sạn 5 sao có 32,5% doanh thu thông qua kênh đặt phòng này.

Năm 2016 cũng chứng kiến sự gia tăng số lượng các khách sạn đã quyết định rằng công nghệ số là yếu tố quan trọng trong việc kinh doanh của họ nhằm cạnh tranh và tạo sự khác biệt đối với các khách sạn khác trong thị trường.

Với Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 ảnh hưởng khắp nền kinh tế, nhiều khách sạn cao cấp đã chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi sắp tới. Tỷ lệ ứng dụng công nghệ số giữa các khách sạn đã có sự thay đổi không nhỏ, tăng từ 49,3% năm 2015 lên 67,3% năm 2016. Thêm vào đó, 18,6% số khách sạn đã quyết định áp dụng công nghệ trong năm 2017 hoặc năm 2018.

Năm 2016 được coi là một năm đánh dấu sự thành công của ngành du lịch Việt Nam với các kết quả ấn tượng. Cả lượng khách du lịch đến Việt Nam và doanh thu của ngành đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục với lượng khách quốc tế tăng 26% và doanh thu tăng 18,4% so với năm 2015. Trong năm 2016, Việt Nam đã chào đón 72 triệu lượt khách du lịch quốc tế và nội địa, cao hơn mức dự kiến 68,5 triệu lượt khách của Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT). Đây là một thành tựu đáng ghi nhận trong bối cảnh năm 2016 Việt Nam phải trải qua nhiều biến cố môi trường ở khu vực miền Trung, khiến cho ngành du lịch bị khủng hoảng vào giai đoạn giữa năm 2016 và lượng khách giảm mạnh. Ngành Du lịch Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục 10 triệu lượt khách quốc tế và mức tăng trưởng số lượng khách năm sau so với năm trước lớn nhất ở mức 2 triệu lượt khách quốc tế.

Để đón tiếp lượng khách đến ngày một tăng, nhiều khách sạn mới đã được xây dựng trên khắp đất nước. Với 8.100 phòng của 41 khách sạn mới từ 3 đến 5 sao được đưa vào hoạt động năm 2016, đã giúp cho tổng số lượng phòng tăng lên hơn 420.000 phòng, cao hơn các nước khác trong khu vực như Malaysia, Lào và Campuchia.

Sự phục hồi của ngành Du lịch đã tạo ra tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của phân khúc khách sạn cao cấp. Doanh thu và chi phí lương trung bình trên nhân viên đều đã tăng sau xu hướng giảm vào năm 2015. Doanh thu trung bình trên nhân viên năm 2016 tăng 18,6% so với năm trước.

Qua báo cáo khảo sát dịch vụ khách sạn của Grant Thornton cho thấy những tín hiệu tích cực của ngành công nghiệp không khói (du lịch) trong năm 2016, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội năm 2017 của Việt Nam.

Bình An Đức

kinh doanh hiệu quả với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*