Sep 08 2017

Dịch vụ chia sẻ chỗ ở sẽ “đe dọa” ngành kinh doanh khách sạn

Bùng nổ dịch vụ chia sẻ chỗ ở

Đang có chuyến công tác kết hợp thăm thân tại Mỹ, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Việt Nam cho biết, lần này, ông không lựa chọn thuê các khách sạn 5 sao như thường lệ, mà chọn thuê nhà qua dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb.

“Thuê homestay, thuê xe tự lái và cả tự nấu ăn… là một trải nghiệm thú vị” – ông Bảo cho biết.

Trong khi đó, Mai Triều Nguyên – ông chủ của hệ thống điện máy Mai Nguyên nổi tiếng ở Việt Nam trong chuyến du lịch thú vị ở xứ cờ hoa mới đây cũng đã lựa chọn thuê nguyên một căn nhà ở Mỹ thông qua dịch vụ chia sẻ chỗ ở.

“Thế này thì không cần phải mất công mua nhà bên này nữa” – ông Nguyên nói vui như vậy.

Ông Bảo, ông Nguyên chỉ là những khách hàng mới của dịch vụ chia sẻ chỗ ở. Còn trên thực tế, hàng triệu người trên toàn cầu đã và đang được hưởng lợi từ dịch vụ này, kể từ khi Airbnb ra đời và nhanh chóng phát triển.

Không chỉ ở Mỹ, dịch vụ này đã nhanh chóng lan ra nhiều quốc gia và cũng đã tới Việt Nam. Con số mới nhất được Airbnb công bố, đã có khoảng 6.500 tài khoản từ Việt Nam đăng ký tham gia dịch vụ này.

Ở Việt Nam không chỉ có Airbnb cung cấp dịch vụ chia sẻ chỗ ở, mà còn có cả Luxstay, một start-up chỉ mới được thành lập từ năm ngoái song đã nhanh chóng được khách du lịch cả trong và ngoài nước biết tiếng. Cùng kinh doanh trong lĩnh vực chia sẻ chỗ ở, nhưng Luxstay đã chọn phân khúc cao cấp hơn, với những căn biệt thự, căn hộ ở trung tâm các thành phố lớn và các khu du lịch nổi tiếng.

“Chúng tôi chỉ mới bắt đầu nhận đăng ký cho thuê từ các chủ nhà khoảng vài tháng gần đây, nhưng tháng nào cũng có vài chục đơn đăng ký. Có những người là chủ nhà thực sự, muốn chia sẻ không gian sống của mình cho người khác, nhưng cũng có những nhóm chuyên kinh doanh dịch vụ homestay cũng tham gia hoạt động này” – Steven Nguyễn, đồng sáng lập viên kiêm CEO của Luxstay cho biết.

Trên thực tế, kể từ khi dịch vụ chia sẻ chỗ ở phát triển tại Việt Nam, nhận thấy đây là mô hình kinh doanh hấp dẫn, khá nhiều người nhanh nhạy đã tìm thuê các căn hộ chung cư ở trung tâm thành phố, chia nhỏ không gian, đầu tư thiết kế nội thất tinh tế và bắt mắt, giống như một khách sạn thu nhỏ để kinh doanh theo hình thức mới này. Công suất cho thuê phòng khá cao, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài và giới trẻ nên khoản lợi nhuận thu được tương đối cao.

Cũng có không ít trường hợp chủ nhà cho thuê phòng xuất phát từ nhu cầu chia sẻ căn phòng trống trong gia đình để vừa có thêm thu nhập lại vừa có điều kiện giao lưu với người khác, nhất là khách nước ngoài. Thậm chí, cũng có chủ nhà quyết định chia sẻ chỗ ở không hẳn vì tiền mà vì muốn khoe không gian sống tuyệt vời của mình cho những người có cùng sở thích.

Bất động sản - Dịch vụ chia sẻ chỗ ở sẽ 'đe dọa' ngành kinh doanh khách sạn?

Có không ít trường hợp chủ nhà quyết định chia sẻ chỗ ở vì muốn khoe không gian sống tuyệt vời của mình cho những người có cùng sở thích.

Bình luận về xu hướng này, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch công ty Kiểm toán và tư vấn Grant Thornton Việt Nam cho biết, cách đây 1-2 năm, đã có trào lưu người dân đầu tư tiền mua ô tô để chạy Uber, Grab. Sắp tới, câu chuyện này có thể xảy ra tương tự đối với dịch vụ chia sẻ chỗ ở.

“Sẽ có xu hướng người dân đầu tư nhiều hơn vào mảng bất động sản cho thuê ngắn hạn để kinh doanh chia sẻ chỗ ở. Nó không phải là câu chuyện của tương lai xa nữa mà sẽ thể hiện rõ rệt ngay trong một năm tới” – ông Atkinson nói.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Steven Dũng, Luxstay sẽ hướng đến các chủ nhà đích thực nhiều hơn là các nhóm kinh doanh homestay chuyên nghiệp. Và vì thế, các căn hộ cho thuê của Luxstay sẽ “chất” hơn, từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Nguy cơ đe dọa ngành kinh doanh khách sạn truyền thống?

Thực ra, không còn là nguy cơ, mà dịch vụ chia sẻ chỗ ở đang bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định đối với ngành kinh doanh khách sạn truyền thống. Ví như ở Mỹ, làn sóng thuê homestay đã lan đến cả giới doanh nhân Việt Nam.

Trong trường hợp của ông Đỗ Cao Bảo, ông Mai Triều Nguyên, ít nhất các khách sạn 5 sao ở Mỹ đã mất đi hai vị khách Việt Nam trong vòng một tuần qua. Và lý do không chỉ vì tiền, mà còn vì những trải nghiệm thú vị mà các du khách này có được khi ở homestay.

Câu chuyện ở Việt Nam cũng tương tự, khi mà dịch vụ chia sẻ chỗ ở được dự báo sẽ bùng nổ trong vài năm tới. Với giá thuê rẻ hơn, chất lượng phòng ở không thua kém, lại thuận tiện và thân thiện, có trải nghiệm vui vẻ nên dễ hiểu vì sao dịch vụ này nhanh chóng tạo được sức hút đặc biệt.

Thừa nhận đã bị mất khách hàng vào tay dịch vụ chia sẻ chỗ ở, quản lý khách sạn Pullman Saigon Centre cho biết, đó là lý do vì sao du khách quốc tế tới Việt Nam liên tục tăng mạnh, nhưng giá phòng của các khách sạn 4-5 sao lại không tăng nhiều. Tuy nhiên, theo vị này, nhóm khách sạn nhỏ, khách sạn 3 sao sẽ bị ảnh hưởng sớm hơn vì cùng phân khúc khách hàng đối với dịch vụ chia sẻ chỗ ở.

Đặc biệt, ở các điểm du lịch nổi tiếng như Hội An, Sa Pa, Hòa Bình… khách du lịch rất khoái các biệt thự, căn hộ cho thuê thông qua dịch vụ chia sẻ chỗ ở. Dịch vụ của Luxstay hiện đã lan tới các địa điểm này và các biệt thự, căn hộ trong hệ thống của Luxstay đều thuộc hàng “độc”, luôn cháy phòng nếu như không đặt trước sớm.

Thậm chí, ở Hòa Bình, Luxstay còn sở hữu trong hệ thống của mình một căn biệt thự thuộc hàng “khủng” rộng rãi và xanh mướt cây lá mà chắc chắn bình thường kể cả có tiền, du khách cũng khó lòng thuê được. Chính các căn hộ cho thuê kiểu này đang khiến dịch vụ khách sạn truyền thống bị lép vế.

“Kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển rộng rãi ở Việt Nam, nhưng nhìn vào các động thái gần đây, trong sự phát triển của các dịch vụ Uber, Grab, chia sẻ chỗ ở, thì có thể thấy mô hình này sẽ nhanh chóng phát triển trong thời gian tới” – bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, bộ Công Thương nói.

Tuy nhiên, cũng theo bà Việt Anh, một khi mô hình này phát triển sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với việc quản lý dịch vụ, làm sao đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi nhưng phải hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống; cũng như việc minh bạch hóa thông tin, chống thất thu thuế…

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, nhà nghỉ, hotel mini

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*