Aug 21 2013

Đà Nẵng mời nước ngoài đào tạo nhân lực du lịch đạt chuẩn quốc tế

“Chất lượng sinh viên ngành sinh viên du lịch ở Đà Nẵng khi đi xin việc rất thấp, không phải là họ không biết làm mà họ không nhận thức được rằng phải làm việc đó đến mức hoàn hảo 100% chứ không phải 90% là đủ!” – GS GS Andreas Foeldenyi (Thuỵ Sĩ) nói.

Như tin đã đưa, ngày 19/8, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và Đại học Đông Á phối hợp với Học viện Du lịch và Khách sạn Thụy Sĩ (SSTH) đã bắt đầu khoá “Nâng cao kỹ năng và phương pháp giảng dạy nghiệp vụ du lịch” cho các giảng viên chuyên ngành kinh tế du lịch của Đại học Đông Á và trưởng các bộ phận thuộc các khách sạn, resort 4 – 5 sao ở Đà Nẵng. Để từ đó các giảng viên này tiếp tục triển khai chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch chất lượng cao của Thuỵ Sĩ tại Đà Nẵng.

GS Andreas Foeldenyi trả lời phỏng vấn báo Infonet (Ảnh: HC)

Để hiểu rõ hơn những gì phía Thuỵ Sĩ sẽ mang lại nhằm góp phần đáp ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho Đà Nẵng, miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian tới, PV Infonet đã phỏng vấn GS Andreas Foeldenyi, Giám đốc điều hành Trung tâm Ngoại ngữ Thuỵ Sĩ thuộc Trung tâm Giới thiệu giáo dục Thuỵ Sĩ, là người đã “chắp nối” cho sự kết hợp giữa Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Đại học Đông Á và SSTH:

Thưa GS, cơ duyên nào đưa GS và SSTH đến với Đà Nẵng?

GS Andreas Foeldenyi: Cách đây 4 tháng, nhân buổi ăn sáng với tôi tại Furama Resort, ông Huỳnh Tấn Vinh (Tổng Giám đốc Furama Resort 5 sao, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) đặt vấn đề liệu tôi có thể tổ chức và điều phối một chương trình đào tạo nghiệp vụ du lịch tại Đà Nẵng kết hợp với một đối tác tại Thuỵ Sĩ hay không? Lập tức, chúng tôi trao đổi với nhau về thực trạng của nguồn nhân lực du lịch tại Đà Nẵng và tôi nhận ra được tầm quan trọng của một chương trình đào tạo như ông Vinh đề cập.

Tôi biết đây là một chương trình lớn và rất có ý nghĩa không chỉ với Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung. Cách đây 3 tuần, tôi đã có buổi gặp gỡ, nói chuyện với các Tổng quản lý khách sạn 4 – 5 sao ở Đà Nẵng và chia sẻ với họ về dự án này. Sau đó, nhiều người đã đến bắt tay tôi và nói rằng thực sự họ rất cảm kích, vui mừng khi có một chương trình đào tạo nghiệp vụ chất lượng cao của Thuỵ Sĩ tại Đà Nẵng, vì chương trình này sẽ giúp cho công việc của họ dễ dàng, thuận lợi hơn.

Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại như vậy? Nhiều tổng quản lý khách sạn trả lời: “Chúng tôi cần rất nhiều nhân sự. Khi chúng tôi thông báo thì có hàng trăm đơn xin việc gửi tới. Các bạn đó đều đã tốt nghiệp một trường hay một khoá đào tạo du lịch nào đó và đều có giấy chứng nhận hết. Tuy nhiên sau khi phỏng vấn và kiểm tra nghiệp vụ thì chúng tôi chỉ có thể tuyển được 1 người trong số 50 hồ sơ xin việc mà thôi”.

Vì vậy mà họ nói với tôi: “Này Andreas, chúng tôi đặt kỳ vọng rất cao nếu ông đứng ra phụ trách chương trình đào tạo này, phụ trách điều phối và kiểm soát chất lượng của nó. Ông hãy thay đổi thực tế hiện nay, hãy làm sao để trong 50 hồ sơ xin việc gửi đến thì chúng tôi có thể nhận được ít nhất 10 em!”. Chính vì vậy mà chương trình này không chỉ nhắm đến số lượng đào tạo mà quan trọng nhất là chất lượng của học viên sau khoá học.

Như vậy là chất lượng của sinh viên ngành du lịch khi đi xin việc rất thấp. Chương trình này đặt ra sự đột phá như thế nào để cải thiện điều đó?

GS Andreas Foeldenyi: Theo các Tổng quản lý khách sạn 4 – 5 sao ở Đà Nẵng phản ánh thì không phải các cơ sở đào tạo ở đây không biết đào tạo cho học viên, nhưng họ chỉ đào tạo cho các em biết làm thôi. Ví dụ họ vẫn biết cắt loại trái cây đó, nhưng làm sao để thật sự sạch sẽ, gọn gàng, khéo léo, tỉ mỉ thì các học viên lại không biết. Trong khi khách ở các khách sạn 5 sao ngày càng khó tính vì họ yêu cầu cái gì đó hoàn hảo hơn, đúng chuẩn quốc tế hơn nhưng các bạn trẻ ở Việt Nam, ở Đà Nẵng chỉ biết làm một cách cơ bản thôi.

Đó là do họ chưa suy nghĩ, chưa nhìn nhận được rằng tất cả những việc họ làm đều phải chuẩn, hoàn hảo 100%, chứ không phải làm được 90% là đủ. Vì vậy mục tiêu của chúng tôi là sẽ phải thay đổi điều đó, thay đổi suy nghĩ của các học viên.

Việc đào tạo nghiệp vụ du lịch của Thuỵ Sĩ chú trọng đến từng chi tiết nhỏ để làm sao các học viên hiểu được rằng không phải biết phủ khăn bàn ra là xong, mà phải chú ý đến từng nếp gấp, từng chi tiết để đạt đến mức hoàn hảo 100%. Đây là điều mà chúng tôi đòi hỏi các giảng viên trong chương trình này phải chú trọng để đạt được chất lượng như đào tạo ở Thuỵ Sĩ.

Hầu hết Tổng quản lý khách sạn 5 sao ở Đà Nẵng không phàn nàn việc nhân viên không biết xếp bàn ăn, muỗng, đĩa… mà họ phàn nàn nhân viên không xếp cho ngay ngắn, thẳng thớm, mà đó mới là các chi tiết tạo nên sự khác biệt, sự hoàn hảo. Vì vậy ngày nào các trưởng bộ phận cũng phải yêu cầu nhân viên phải xếp lại cho đúng chuẩn quốc tế.

Không phải đôi tay các bạn ấy không có khiếu, mà đây là vấn đề về sự nhìn nhận. Họ không hiểu được vì sao phải làm đạt chuẩn như vậy? Đặt đĩa,  muỗng… lên bàn là được rồi, sao phải đặt cho ngay ngắn, song song? Chúng tôi sẽ hướng dẫn các học viên thực hiện từng chi tiết tỉ mỉ, tất cả gộp lại sẽ tạo thành một ấn tượng tổng thể về sự hoàn hảo.

Vậy là vấn đề nằm ở sự nhận thức không hoàn hảo của nhân viên các khách sạn về công việc của mình. Tạo ra điều đó có phần trách nhiệm rất quan trọng từ công tác đào tạo của các trường ở Việt Nam. Với chương trình này GS muốn đem lại sự đột phá như thế nào cho đào tạo nghiệp vụ du lịch ở Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung?

GS Andreas Foeldenyi: Các giảng viên Thuỵ Sĩ sẽ hướng dẫn các giảng viên Việt Nam bằng hành động cụ thể chứ không phải là chuyển tải lý thuyết. Trọng tâm của chương trình đào tạo này là tất cả bằng thực hành, bằng cách làm mẫu, nắm tay chỉ dẫn cụ thể chứ không phải nói lý thuyết A, B, C nhưng rồi không làm gì hết. Đặc biệt là phải thay đổi nhận thức của người giảng viên đối với đào tạo nghiệp vụ du lịch. Đó là không chỉ đào tạo cho các học viên biết làm mà phải biết làm một cách thật hoàn hảo, phải cho họ thấy được sự khác biệt giữa mức trung bình – biết làm với mức hoàn hảo.

Các giảng viên Thuỵ Sĩ sẽ nêu từng ví dụ cụ thể, hướng dẫn cho từng giảng viên Việt Nam thực hành những điều đó sao cho thật chuẩn đến từng chi tiết. Từ đó sẽ tạo cho họ nhận thức về việc đâu là đào tạo để có sản phẩm đầu ra ở mức chấp nhận được và đâu là đào tạo để cho ra đời những học viên ở mức hoàn hảo, xuất sắc.

Sau khi đào tạo cho các giảng viên ở Đà Nẵng thì các giảng viên của Thuỵ Sĩ có tiếp tục trực tiếp đào tạo nghiệp vụ cho học viên các khoá học chuyên ngành về sau hay không?

GS Andreas Foeldenyi: Để chương trình mang tính bền vững thì chúng tôi đào tạo cho các giảng viên Việt Nam, làm sao cho họ đạt chuẩn. Và họ sẽ là những người đào tạo cho các học viên. Xuyên suốt quá trình đó, chúng tôi sẽ có sự giám sát chặt chẽ, thực hiện việc đánh giá ở từng khâu một. Ngay khi phát hiện có một điều gì cần phải điều chỉnh, thay đổi thì phía Thuỵ Sĩ sẽ can thiệp ngay, để đảm bảo làm sao các giảng viên phía Việt Nam có đầy đủ phương pháp, sự nhìn nhận để thực hiện nhiệm vụ trực tiếp đào tạo cho các học viên Việt Nam một cách hoàn hảo.

 

Tăng doanh thu với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*