Cháy khách sạn – nỗi lo mùa du lịch
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường khi xảy ra cháy tại khách sạn, luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất là cần xác định nguyên nhân gây ra vụ cháy. Nếu do lỗi một cá nhân nào đó thì người này phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho những người bị thiệt hại và bản thân người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu xác định nguyên nhân là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như hệ thống tải điện, chất nổ, chất cháy… thì người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Trường hợp khách sạn không làm tốt công tác PCCC theo quy định để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại cho khách lưu trú thì khách sạn phải bồi thường. Còn nếu nguyên nhân hỏa hoạn do lỗi của khách hoặc sự kiện bất khả kháng thì khách sạn sẽ không phải bồi thường.
Cháy khách sạn, du khách nhảy lầu
Tối 20-6 vừa qua, một khách sạn ở TP Quảng Ngãi đã xảy cháy. Sau gần 30 phút chữa cháy, lực lượng chức năng mới khống chế và dập tắt được ngọn lửa. Mặc dù vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người song nó đã khiến toàn bộ khách đang lưu trú tại đây bỏ chạy trong hoảng loạn và sau nhiều giờ, họ mới dám trở lại phòng…
Trước đó, vào đêm 1-6, tại Đà Nẵng, một khách sạn ở quận Sơn Trà đã xảy cháy khiến hàng trăm du khách lo lắng. Đám cháy xuất phát từ buồng kỹ thuật thang máy, rồi nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ khách sạn. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC, cứu nạn, cứu hộ đã nhanh chóng có mặt để chữa cháy đồng thời hướng dẫn hơn 230 khách di chuyển đến nơi an toàn, trực tiếp cứu 9 người, trong đó có 5 trẻ em ra khỏi đám cháy tại khách sạn. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn được xác định do chập điện tại buồng kỹ thuật thang máy.
Còn tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, sáng 29-4, một khách sạn 5 tầng cũng bất ngờ bốc cháy. Đám cháy xuất phát từ khu để ôtô và xe máy, khiến hơn 20 khách rơi vào tình trạng hỗn loạn. Để thoát thân, một số người ở các tầng trên do mất bình tĩnh đã nhảy xuống và bị gãy chân. Sau khoảng 1 giờ, đám cháy mới được dập tắt, song hầu hết đồ đạc ở hai tầng dưới của khách sạn đã bị thiêu rụi, trong đó có một số ô tô và xe máy.
Đang trong mùa cao điểm về du lịch, trước hàng loạt vụ cháy khách sạn thời gian qua, nhiều người đã lên kế hoạch đi du lịch trong mùa hè này tỏ ra khá lo ngại. Chị Đoàn Cẩm Thanh ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, thông thường trước khi đi du lịch, các gia đình phải đặt khách sạn từ trước.
Giao dịch giữa hai bên chủ yếu là chọn phòng và thanh toán tiền còn vấn đề PCCC hầu như không bao giờ đề cập đến. Khách đến ở cũng chỉ quanh quẩn trong phòng không tìm hiểu kỹ về đường đi lối lại, lối thoát hiểm nên nếu không may xảy ra hỏa hoạn, thiệt hại là vô cùng khó lường…
Khách sạn xảy cháy, làm sao để thoát nạn?
Liên quan đến cách thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn trong các khách sạn, ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc một Công ty chuyên cung cấp và lắp đặt thiết bị PCCC trong các tòa nhà cao tầng ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, khi đến bất kỳ khách sạn nào, khách lưu trú nên quan sát, tìm vị trí của cầu thang bộ, cầu thang thoát hiểm bởi nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, thì đây là lối thoát an toàn nhất.
Khi phát hiện có dấu hiệu xảy cháy du khách phải nhanh chóng di chuyển ra khỏi phòng, xác định vị trí của ngọn lửa, nguồn khói để chọn hướng di chuyển hoặc chỗ lánh nạn, kêu to cho mọi người cùng biết, gọi cứu hỏa thông báo về địa điểm xảy ra đám cháy.
Trong trường hợp đám cháy chưa lan đến hành lang, khách lưu trú cần tìm cửa thoát hiểm gần nhất và thoát ra ngoài. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới để tránh ngạt khói. Ngoài ra, mỗi cá nhân cần lấy một chiếc chăn nhúng nước, trùm kín người và ra khỏi nhà, lấy khăn ướt bịt mũi, miệng.
Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang hãy la hét, vẫy tay để gây chú ý với nhân viên cứu hỏa. Đặc biệt, trong khi xảy ra hỏa hoạn, khách cần nhanh chóng thoát thân, không nên cố nán lại mang thêm tài sản và tuyệt đối không dùng thang máy khi hỏa hoạn, bởi khi đó thang máy rất dễ bị ngừng hoạt động đột ngột do mất điện. Nếu thấy đám cháy lan đến phòng, hãy đóng kín cửa để ngọn lửa không bén vào phòng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, trong các vụ hỏa hoạn, số lượng nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói thường cao hơn do bị bỏng. Do đó, để tránh bị ngạt thở vì khói và hơi độc, khi di chuyển, mỗi cá nhân cần nằm sát mặt đất và trườn ra ngoài, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi. Trường hợp bị kẹt trong phòng hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa để chặn khói lan trong phòng, rồi chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà.
“Khi phát hiện xảy cháy, điều quan trọng nhất là mỗi người cần giữ bình tĩnh, tuyệt đối không hoảng hốt, nhảy từ trên cao xuống. Chỉ khi có thang, đệm của lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đến và được yêu cầu, người bên trên mới được nhảy xuống” – ông Nguyễn Văn Thanh đưa ra lời khuyên.
Theo Anninhthudo.vn
kinh doanh hiệu quả với Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: admin