Jul 29 2019

Chắc chắn không có chuyện 80% số phòng khách sạn của Việt Nam dưới 3 sao

Vậy thực tế cơ sở vật chất của du lịch hiện nay được đánh giá thế nào, và du lịch Việt Nam đang đứng ở đâu trong bản đồ khu vực và thế giới?
Rất nhiều khách sạn sang trọng đẳng cấp 5 sao của Việt Nam ra đời thời gian gần đây

Rất nhiều khách sạn sang trọng đẳng cấp 5 sao của Việt Nam ra đời thời gian gần đây

Họ đã dựa theo nguồn tin nào?

Trước đó, báo chí đưa tin: “Theo báo cáo khảo sát về du lịch ASEAN của Tập đoàn tài chính Maybank Kim Eng, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng đang tạo ra khoảng cách giữa du lịch Việt Nam và các thị trường khác trong khu vực”. Việt Nam đang thiếu khách sạn chất lượng vì có tới 80% số lượng phòng khách sạn ở tiêu chuẩn dưới 3 sao; hầu hết các chuỗi khách sạn đều phát triển theo hướng tự phát, quy mô nhỏ và mức thâm nhập của các thương hiệu khách sạn quốc tế chỉ là 1,4%, thấp nhất trong số các thị trường lớn ở ASEAN.

Trong khi đó, tỷ lệ phòng khách sạn thương hiệu quốc tế ở Thái Lan là 6,6%, Indonesia là 6,5%, Malaysia 10,2% và của Singapore lên tới 54,8%. Báo cáo khảo sát về du lịch ASEAN của Tập đoàn tài chính Maybank Kim Eng cũng chỉ ra rằng số phòng khách sạn trên đầu người ở Việt Nam hiện đứng đầu khu vực ASEAN với mức bình quân 39,3 phòng trên 1.000 khách. Tỷ lệ này ở Thái Lan là 18,3 và Indonesia là 37,8. Thế nhưng theo nhận định của ông Sadiq Curimmbhoy, Trưởng phòng nghiên cứu khu vực của Maybank Kim Eng tại Malaysia, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng đang tạo ra khoảng cách giữa du lịch Việt Nam và các thị trường khác trong khu vực?

Tuy nhiên, tại chuyên đề đặc biệt “Phát triển du lịch tại Việt Nam: Nhìn lại từ điểm tới hạn – xu hướng, thách thức và ưu tiên chính sách cho ngành Du lịch Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, đánh giá: “Du lịch Việt Nam đang gặp áp lực về năng lực hạ tầng. Do số lượt khách du lịch tăng nhanh kết hợp với tăng trưởng nguồn cung cơ sở lưu trú để đón khách đã tạo ra rủi ro quá tải về hạ tầng dịch vụ và du lịch”. WB cảnh báo, mật độ du khách tăng lên trong thời gian qua (chỉ tiêu tăng trưởng lượt khách trên đầu người) cả ở cấp độ quốc gia và các địa phương đã dẫn đến những vấn đề quá tải, ùn tắc giao thông, ô nhiễm, đặc biệt ở những điểm đô thị vốn đã đông dân như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Theo WB, hầu như đầu tư cho hạ tầng du lịch trong những năm qua chỉ tập trung vào việc mở rộng nguồn cung cơ sở lưu trú để bắt kịp với tăng trưởng về lượt khách. Trong 3 năm qua (2015-2017) tốc độ trăng trưởng số phòng trên toàn quốc bình quân tăng thêm gần 7%, so với 7 năm trước đó (từ 9,6% lên 16,3%), trong đó tốc độ tăng theo năm trong năm 2017 đạt 20,1%, là tốc độ tăng cao nhất trong 15 năm qua. Mỗi phòng khách sạn xây mới đều làm tăng nhu cầu về điện, nước, quản lý chất thải và các dịch vụ cơ bản khác. Tuy nhiên, những cải thiện về năng lực cung cấp dịch vụ và hạ tầng thiết yếu khác để hỗ trợ số lượt khách tăng nhanh lại chưa bắt kịp. Theo chỉ số về năng lực cạnh tranh du lịch của WEF, từ năm 2013-2017, mặc dù Việt Nam đã có những bổ trợ về hạ tầng giao thông đường hàng không, hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng y tế và vệ sinh vẫn đi sau với khoảng cách đáng kể.

Điều này có nghĩa là, trái ngược với báo cáo của Maybank Kim Eng, WB không cho rằng Việt Nam đang thiếu hụt cơ sở hạ tầng, thiếu phòng khách sạn chất lượng (từ 3-5 sao – PV) mà thiếu hạ tầng thiết yếu khác phục vụ phát triển du lịch. Không hiểu Maybank Kim Eng nghiên cứu, khảo sát theo nguồn thông tin và phương thức nào nhưng chắc chắn không có chuyện “80% số lượng phòng khách sạn của Việt Nam ở tiêu chuẩn dưới 3 sao”.

Theo Báo cáo thường niên du lịch Việt Nam 2018 của Tổng cục Du lịch: Tính đến hết ngày 31.12.2018, Việt Nam có 28.000 cơ sở lưu trú du lịch với trên 550.000 phòng (tăng hơn 2.400 cơ sở lưu trú và hơn 42.000 phòng so với năm 2017). Trong đó, nhóm cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao có 965 cơ sở với 126.734 phòng, tăng 11% về số cơ sở và 23,3% số phòng so với năm 2017. Khối 5 sao có sự tăng trưởng mạnh và sức chứa lớn nhất: 142 khách sạn 5 sao với 47.905 số phòng, tăng 42,3% so với năm 2017.

Không hiểu Maybank Kim Eng nghiên cứu, khảo sát theo nguồn thông tin nào mà đưa ra con số 80% số phòng khách sạn của Việt Nam ở tiêu chuẩn dưới 3 sao. Trong khi đó Ngân hàng Thế giới lại không cho rằng Việt Nam đang thiếu hụt cơ sở hạ tầng khách sạn chất lượng từ 3 đến 5 sao. Ảnh

Không hiểu Maybank Kim Eng nghiên cứu, khảo sát theo nguồn thông tin nào mà đưa ra con số 80% số phòng khách sạn của Việt Nam ở tiêu chuẩn dưới 3 sao. Trong khi đó Ngân hàng Thế giới lại không cho rằng Việt Nam đang thiếu hụt cơ sở hạ tầng khách sạn chất lượng từ 3 đến 5 sao.

Công suất buồng phòng khách sạn năm 2018 của Việt Nam đạt 54%

Vẫn theo Maybank Kim Eng, tình thế có thể sẽ thay đổi trong những năm tới, khi cả lượng khách cũng như chi tiêu cho mỗi khách du lịch đều tăng lên nhờ sự xuất hiện của những thương hiệu khách sạn quốc tế lớn tại Việt Nam. Ước tính, trong 3 năm tới có khoảng 5.400 phòng khách sạn thuộc các thương hiệu hạng sang và những thương hiệu nổi tiếng khác sẽ gia nhập thị trường, tăng nguồn cung phòng khách sạn 5 sao lên tỷ trọng 16% . Con số này có đáng tin cậy không khi trên thực tế, số lượng phòng 5 sao của Việt Nam hiện nay đang có mức tăng hơn gấp đôi so với mức tăng mà Maybank Kim Eng đưa ra (42,3% so với 16%)?

Thêm vào đó, các chuyên gia và cơ quan quản lý du lịch các địa phương cũng đang khuyến cáo khủng hoảng thừa phòng khách sạn. Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ Khách sạn (TCDL) cho biết: “Công suất phòng bình quân năm 2018 của khách sạn ở Việt Nam chỉ đạt 54%, giảm nhẹ so với năm 2017. Một số địa phương vùng duyên hải đạt 70% còn phần lớn chỉ đạt 50% công suất phòng. Nếu có quá tải thì cũng chỉ ở một vài thời điểm nhất định như mùa du lịch hè, khách nội địa tăng hoặc các dịp lễ tết và chỉ xảy ra ở một số trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang… Còn bình thường, lượng phòng khách sạn từ 1-5 sao còn rất nhiều, kể cả những điểm đến nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu, Mũi Né… cũng được cảnh báo khủng hoảng thừa buồng phòng khách sạn. Một số khách sạn 5 sao thậm chí chỉ được 20- 40% công suất…”.

Bên cạnh đó, WB cũng cho rằng: “So với các quốc gia đang phát triển khác ở Đông Nam Á, lượng khách quốc tế ở Việt Nam đang tăng mạnh đã tạo điều kiện để quốc gia chiếm lĩnh dần thị phần về cầu du lịch trong khu vực, đưa số lượt khách lên sát mức hàng đầu trong khu vực”. Trong 5 năm và 10 năm qua, tăng trưởng về lượt khách quốc tế vào Việt Nam liên tục cao so với đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang phát triển của Đông Nam Á. Ngoại trừ Myanmar có tốc độ tăng trưởng 10 năm cao hơn vì có điểm khởi đầu thấp về lượt du khách.

Kết quả là, Việt Nam đã và đang từng bước chiếm thị phần, không chỉ tính trên tổng lượt du lịch đến với các quốc gia đang phát triển Đông Nam Á mà cả trên tổng lượng du khách đến toàn bộ khu vực Đông Á, bao gồm cả các thị trường du lịch lớn hơn và phát triển hơn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việt Nam đến nay đã đuổi kịp Indonesia về tổng lượt khách quốc tế đồng thời đang thu hẹp khoảng cách với các quốc gia đứng đầu về số lượt khách trong khu vực như Malaysia và Thái Lan. Tính theo đầu người (nghĩa là có tính đến quy mô tương quan của quốc gia), số lượt khách của Việt Nam dường như còn nhiều khả năng tăng trưởng hơn so với Malaysia và Thái Lan, nơi có số lượt khách đã xấp xỉ 80% và 50% dân số nước họ.

 Trái ngược với báo cáo của Maybank Kim Eng, WB không cho rằng Việt Nam đang thiếu hụt cơ sở hạ tầng, thiếu phòng khách sạn chất lượng (từ 3-5 sao- PV) mà thiếu hạ tầng thiết yếu khác phục vụ phát triển du lịch. Không hiểu Maybank Kim Eng nghiên cứu, khảo sát theo nguồn thông tin và phương thức nào, nhưng chắc chắn không có chuyện “80% số lượng phòng khách sạn của Việt Nam ở tiêu chuẩn dưới 3 sao”.

 LẠI THÚY HÀ

Đăng ký Quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*