Dec 17 2013

CEO Marriott: ‘Khách sạn hạng sang còn nhiều cơ hội’

Lãnh đạo Marriott International thừa nhận, có dự định vào Việt Nam từ mấy năm trước nhưng kế hoạch bị chững lại do khủng hoảng. Đến nay, thị trường đã có nhiều tín hiệu tích cực trở lại.

Theo CBRE và Savills Việt Nam, đến hết quý III, doanh thu và giá phòng khách sạn tại Hà Nội tiếp tục giảm so với quý trước. Thị trường này tuy có một số dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn được dự đoán còn nhiều khó khăn. Nguồn cung tương lai ở phân khúc này cũng khá lớn, đặc biệt là khối 5 sao chiếm khoảng 73%.

Giữa bối cảnh đó, khách sạn 5 sao mang thương hiệu JW Marriott tại Hà Nội với 450 phòng, vẫn rục rịch chuẩn bị đi vào hoạt động trong quý IV. Ông Arne M. Sorenson – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Marriott International, Inc trao đổi với VnExpress.net về cơ hội cũng như thách thức của phân khúc khách sạn cao cấp tại Việt Nam.

– Tại sao các ông lại chọn thời điểm này để đưa JW Marriott Ha Noi vào hoạt động, khi mà kinh tế còn nhiều khó khăn? 

– Mấy năm trước, chúng tôi đã chuẩn bị ký hợp đồng với một số đối tác để đưa vài khách sạn đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này đã phải chững lại do thị trường khủng hoảng.

Đến thời điểm này chúng tôi nhận thấy cán cân nhu cầu đã ổn định trở lại. Đặc biệt, gần đây, có một tín hiệu rất đáng mừng là nhiều doanh nghiệp lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam với số vốn lớn. Bên cạnh đó, nhóm khách du lịch khắp thế giới đã có sự di chuyển mạnh mẽ từ đến châu Á. Việt Nam vốn có một nền văn hóa lâu đời, nhiều danh lam thắng cảnh nên hấp dẫn du khách. Chúng tôi cho rằng đó là những cơ hội cho ngành khách sạn.

Arne-Sorenson-500-3581-1381832581.jpg

Ông Arne M. Sorenson – Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc của Marriott International, Inc. Ảnh: J.W. Marriot Ha Noi.

– Hà Nội hiện đã có một số khách sạn 5 sao nằm ở vị trí rất đẹp, gần trung tâm. Trong khi đó, J.W Marriott tuy hiện đại và nội thất tốt nhưng lại ở khá xa trung tâm. Vậy đâu là cơ hội cho các ông?

– Tôi thừa nhận hiện ở Hà Nội đã có một số khách sạn nằm ở vị trí đẹp, trung tâm. Tuy nhiên, ở phía Tây thành phố đang đô thị hóa khá nhanh cũng đã có rất nhiều văn phòng đi vào hoạt động. Khách đến công tác, làm việc tất nhiên sẽ nghỉ ngơi ở gần khu vực đó.

Bên cạnh đó, mỗi khách sạn sẽ có chiến lược phát triển khách hàng mục tiêu riêng. Từ đầu chúng tôi đã nhận định hiện mảng khách sạn hội nghị, hội thảo tại Hà Nội vẫn chưa xứng tầm, trong khi ở TP HCM thì tốt hơn. Chính vì thế, khi quyết định đi vào hoạt động chúng rôi xác định rõ sẽ theo đuổi phân khúc này.

Marriott International, Inc. (NYSE: MAR) là tập đoàn khách sạn hàng đầu với hơn 3,800 khách sạn trên 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, doanh thu theo báo cáo tài chính năm 2012 đạt 12 tỷ đô la Mỹ.

Tập đoàn này điều hành, nhượng quyền, sở hữu các khách sạn thuộc 18 thương hiệu bao gồm Marriott, The Ritz-Carlton, JW Marriott, Bulgari, Renaissance, Gaylord, Autograph Collection…

Các khách sạn trong khu vực trung tâm do hạn chế về diện tích nên số lượng phòng không lớn. Vì thế, rất nhiều đoàn công tác quy mô lớn, doanh nghiệp đến Việt Nam làm việc mà cần khoảng trên 300 phòng nghỉ thường phải chia ra 2 nơi để ở. Trong khi đó, khách sạn của chúng tôi lại có thể đáp ứng được quy mô lớn hơn và đó chính là là cơ hội.

– Trong năm đầu tiên, mục tiêu của các ông là công suất phòng đạt tỷ lệ bao nhiêu?

– Kế hoạch của chúng tôi trong năm đầu là công suất phòng hội nghị, hội thảo sẽ đạt khoảng 40-50%, theo đó, số phòng nghỉ cũng sẽ có tỷ lệ tương đương.

– Liệu mục tiêu này có quá lạc quan trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn? 

– Tất nhiên, trong mảng này chúng tôi cũng chia thành nhiều nhóm khách hàng nhỏ để tiếp cận. Thứ nhất là những công ty lớn, đa quốc gia. Hiện có 5-6 đơn vị đăng ký làm các sự kiện với Marriott Ha Noi. Họ có những sự kiện hàng năm và mỗi lần cần phòng họp cho khoảng 300 người.

Nhóm thứ hai là của các hội. Ví dụ tới đây sẽ có cuộc họp của Hội Luật gia toàn cầu. Trên thế giới có khoảng 5.000 hội như thế này và họ di chuyển qua nhiều nước.

Chúng tôi đang nhắm vào khoảng 15.000 công ty và các hội như thế và hiện đã có khoảng 5.000 công ty chọn hệ thống của tập đoàn làm địa điểm hội họp hàng năm.

– Còn với những nhóm khách hàng khác thì các ông định hướng ra sao?

– Bên cạnh nhóm khách hàng hội nghị, hội thảo, chúng tôi cũng chú ý đến các doanh nhân và sẽ tận dụng tên tuổi của tập đoàn để thu hút họ. Chúng tôi hiện có chương trình thẻ khách hàng thân thiết và tính chung toàn cầu đang có khoảng 44 triệu thành viên, riêng châu Á là 4,5 triệu người. Khi đi công tác hay du lịch thì họ luôn ủng hộ thương hiệu quen thuộc để có thể sử dụng được loại thẻ này.

– Về lâu dài, Marriott International dự định tiếp tục phát triển thương hiệu của mình tại Việt Nam như thế nào?

– Với những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, ở các quốc gia khác, thông thường chúng tôi sẽ có 3-4 thương hiệu ở các phân khúc khác nhau. Chúng tôi hi vọng việc này sẽ sớm được thực hiện.

Còn ở những tỉnh còn lại cũng có rất nhiều điểm, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có sức hút. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ chọn để phát triển những resort có khoảng 100 phòng trở lên. Vì thế trong tương lai tôi đang nhìn đến Đà Nẵng và Hạ Long.

Về đối tác, họ phải là những đơn vị có tài chính để đáp ứng được khả năng xây dựng khách sạn; quy trình làm việc chặt chẽ, chuyên nghiệp để có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc họ muốn xây khách sạn ở khu vực và phân khúc nào… Tôi cho rằng địa điểm xây dựng khách sạn rất quan trọng vì thà tốn kém để đầu tư và làm đúng ngay từ ban đầu còn hơn là rẻ nhưng làm sai và sẽ không thể thành công trong tương lai.

Ông Reechard Leech – Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng một số khách sạn 5 sao tại Hà Nội chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, do đó JW Marriott vẫn còn nhiều cơ hội nếu chất lượng tốt.

Ông Trần Như Trung – Phó giám đốc Savills Hà Nội cũng cho rằng tuy nguồn cung khách sạn ở khu vực phía Tây thành phố khá lớn nhưng vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, một số quy hoạch cũng khiến khu vực này có sức hút lớn.

Các chuyên gia đều nhận định, đầu tư khách sạn có đặc thù là chi tiền chẵn nhưng thu tiền lẻ. Do đó, không thể nhìn nhận sự thành bại trong thời gian vài năm. Theo lãnh đạo Savills và CBRE thì giá phòng ở phân khúc khách sạn cao cấp ít khi giảm, mà các đơn vị thường cạnh tranh bằng các dịch vụ đi kèm.

Ngọc Tuyên

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*