Apr 04 2013

Câu chuyện về khách sạn vô gia cư

Một thời là biểu tượng hưng thịnh của nước Nhật, khách sạn con nhộng (capsule hotel) ở Tokyo nay là chốn đi về của không ít người vô gia cư xứ hoa anh đào.

Satoshi Miura khòm lưng bò vào căn phòng thuê của mình. Gọi là phòng ngủ cho oai chứ nó trông giống chiếc hộp hơn, với kích cỡ nhỉnh hơn áo quan một tí. Bất kỳ tiếng ho hoặc va đụng vào tường nhựa đều vang vọng suốt dãy phòng 2 tầng. Nhưng không thành vấn đề bởi Miura, 45 tuổi, chỉ vào đây để ngủ trước khi bắt đầu một ngày mới bôn ba tìm việc làm. Căn phòng dài không quá 2 m, rộng chừng 1,5 m và không đủ cao để đứng này có mọi thứ Miura cần vào ban đêm: một bóng đèn, một chiếc giường, một cái ti-vi có kèm tai nghe và một cái radio. Nhưng quan trọng hơn hết là giá thuê ở đây rẻ – chỉ khoảng 2.800 yen (554.000 đồng)/đêm. Nếu ở một tháng, anh chỉ phải trả 65.000-93.000 yen (13-18,5 triệu đồng) – quá “hời” so với tiền thuê một căn hộ ở thành phố đắt đỏ vào hàng bậc nhất như Tokyo.

Xuất hiện tại Nhật từ năm 1979, khách sạn con nhộng từng là biểu tượng thịnh vượng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Loại phòng nghỉ không có cửa mà chỉ có rèm kéo lên buông xuống này dành cho những doanh nhân làm việc muộn nhỡ chuyến tàu điện cuối ngày hoặc tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Tuy nhiên, ở khách sạn Miura đang trọ, không có một thương nhân thành đạt nào thuê cả. Những người khác đều giống như anh: kiếm cơm từng ngày.

Tối nay, Miura có thể ngủ thẳng giấc bởi ngày mai anh đã có việc để làm: đóng sách với 6.500 yen (1,3 triệu đồng) một ngày công – đủ để anh dùng bữa tối và thanh toán một đêm tiền phòng. Không may mắn như Miura, Atsushi Nakanishi “ngồi chơi xơi nước” từ Giáng sinh đến nay. Với tình cảnh bi đát như hiện nay, Nakanishi, 40 tuổi, có bằng đại học kinh tế, không biết mình có thể tá túc trong khách sạn con nhộng được bao lâu nữa.

Để trụ vững trong cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2009, các tập đoàn xuất khẩu ở Nhật đã sa thải hàng nghìn lao động khoán việc, làm bán thời gian. Chiếm tới 1/3 lực lượng lao động Nhật Bản, những nhân công này không được hưởng nhiều chế độ phúc lợi như lao động làm toàn thời gian. “Khi bị mất việc, họ (nhân viên thời vụ) ngay lập tức rơi vào cảnh nghèo. Tiền thuê nhà đắt đỏ nên ngay cả những lao động thu nhập thấp không thể thuê phòng trọ. Họ trở thành vô gia cư ngay cả khi còn việc để làm”, một lãnh đạo thuộc Liên đoàn Lao động trẻ ở Tokyo cho biết.

Theo báo cáo mới đây của chính phủ Nhật Bản, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này hiện ở mức 5,2% – mức cao kỷ lục – trong khi tỷ lệ nghèo đói là 15,7%, cao thứ 4 trong nhóm các nước công nghiệp, sau Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Và ước tính, có khoảng 15.800 người đang sống trên đường phố Nhật Bản. Tuy nhiên, các tổ chức cứu trợ cho rằng số người không có nhà ở thực tế cao hơn nhiều, chỉ riêng ở Tokyo đã có ít nhất 10.000 người sống cảnh màn trời chiếu đất. Con số này chưa tính những người vô gia cư “ẩn nấp” – tá túc trong các khách sạn con nhộng hoặc ngủ qua đêm trong tiệm cà phê Internet hay phòng xông hơi.

Trước thực trạng ngày càng đông người dân thất nghiệp không có nhà ở, vào những ngày cuối năm 2009, chính phủ Nhật mở các trung tâm tá túc khẩn cấp trên khắp cả nước để người vô gia cư có nơi đón năm mới.

(Theo LONG CHÂU (Theo CNN, NYTimes)

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, hotel mini Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*