Jan 07 2014

Bất động sản – Kinh doanh khách sạn vẫn có sức hút mạnh

Trao đổi với ĐTCK mới đây, bà Lê Mai Khanh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết, dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng kinh doanh khách sạn vẫn khả quan. Tuy nhiên, với nhiều dự án đang và sẽ triển khai, nguy cơ bội cung với thị trường khách sạn là không thể xem thường.

Lạc quan

Theo số liệu khảo sát của CBRE, đến cuối tháng 9/2012, nguồn cung toàn thị trường khách sạn khu vực Hà Nội đạt 8.533 phòng, tập trung chủ yếu tại 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Trong 9 tháng đầu năm 2012, Hà Nội đón khoảng 1,14 triệu lượt khách quốc tế (tăng 28% so với cùng kỳ năm trước) và 6,35 triệu lượt khách trong nước (tăng 9,8%). Theo CBRE, điều này đã giúp các khách sạn giải tỏa áp lực lấp đầy phòng trống trong bối cảnh suy thoái kinh tế và thắt chặt chi tiêu.

Đánh giá một cách tổng thể, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE cho rằng, công suất sử dụng phòng toàn thị trường Hà Nội tăng 2 – 3 điểm phần trăm so với năm trước. Theo từng phân khúc, công suất phòng 5 sao tăng 5 điểm phần trăm, trong khi công suất phòng phân khúc 3 sao tiếp tục chiều hướng đi xuống kể từ đầu năm 2011 và giảm 4,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Về giá phòng, giá phòng trung bình (ADR) phân khúc 4 – 5 sao giảm khoảng 8 – 10 USD so với cùng kỳ năm trước, trong khi phân khúc 3 sao tăng khoảng 1 – 4 USD.

“Theo quan sát của chúng tôi, nhiều khách sạn 4 – 5 sao đang áp dụng chiến lược giành lại thị phần và sẵn sàng giảm giá để duy trì công suất phòng ổn định. Trong khi đó, khá nhiều khách sạn 3 sao đang tập trung cải thiện ADR”, ông Richard Leech nói và cho biết, có ít nhất 4 khách sạn 3 – 4 sao có kết quả kinh doanh liên tục đi xuống trong nhiều quý, cho thấy cần thiết phải áp dụng các chiến lược hoạt động hiệu quả hơn để tránh nguy cơ đóng cửa.

Bà Lê Mai Khanh nhận định, trong những tháng hè, lượng khách du lịch nội địa là chủ yếu, nhưng nhu cầu sử dụng các dịch vụ cao cấp của khách nội địa cũng đang có xu hướng tăng lên. Hiện nhiều khách nội địa có xu hướng sử dụng các dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn từ 3 – 5 sao. Thời điểm cuối năm là mùa du lịch của khách quốc tế, trong khi khách quốc tế chủ yếu sử dụng khách sạn 4 – 5 sao, vì vậy, công suất sử dụng phòng các khách sạn 4 – 5 sao được dự báo sẽ tăng mạnh. Theo thống kê, hiện công suất phòng khách sạn 4 – 5 sao trung bình khoảng trên 70%.

Cảnh báo nguy cơ bội cung

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, bất chấp những khó khăn, nhưng lĩnh vực đầu tư khách sạn vẫn tỏ ra có sức hút mạnh mẽ. Số liệu thống kê của Công ty Nghiên cứu thị trường khách sạn STR Global công bố mới đây cho thấy, Việt Nam là một trong những nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có số lượng phòng khách sạn đang được xây dựng nhiều nhất, với tổng cộng 7.100 phòng. Trong số này,  có khoảng 4.500 – 5.000 phòng tiêu chuẩn 4 – 5 sao sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013.

Riêng tại địa bàn Hà Nội, theo khảo sát của CBRE, trong quý IV/2012, thị trường khách sạn dự kiến được bổ sung khoảng 300 phòng loại 3 – 4 sao từ các khách sạn như Eastin Easy GTC, Hồng Hà, Hilton Garden Inn và Candeo. Còn trong năm 2013, dự kiến thị trường có thêm khoảng 1.000 phòng nữa từ 3 khách sạn là Inter Continental Hanoi Landmark, JW Marriott Hanoi và khách sạn 200 phòng trên đường Minh Khai thuộc Tập đoàn Hương Lúa.

Savills Việt Nam ước tính, đến năm 2015, thị trường khách sạn Hà Nội dự kiến sẽ có thêm khoảng 6.600 phòng từ 24 trong số 43 dự án và hầu hết là các dự án khách sạn có tiêu chuẩn từ 4 – 5 sao.

Tuy nhiên, ông Kai Marchus Schroter, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn quản lý khách sạn và du lịch HTM nhận định, kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong những năm tới khi nguồn cung được tung ra mạnh. Đặc biệt, trong số đó có nhiều dự án mà chủ đầu tư không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn.

Ông Richard Leech cũng cảnh báo, mặc dù thị trường khách sạn Hà Nội đang bước vào mùa cao điểm, lượng cầu tăng lên, nhưng không đủ nhanh để phủ kín số phòng khách sạn trống tại Hà Nội. Trong năm 2013 – 2014, thị trường khách sạn, đặc biệt khu vực phía Tây Hà Nội, có thể sẽ tiếp tục ảm đạm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và nguồn cung lớn. Các dự án khách sạn mới có thể sẽ chậm tiến độ hoàn thành hoặc lùi ngày khai trương. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến cả những khách sạn hiện tại.

 

 

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*