Dec 14 2013

Giám đốc nhân sự – Gạch nối cho thành công của khách sạn

 Một giám đốc nhân sự lý tưởng là người có khả năng cùng ban giám đốc khách sạn đưa ra chiến lược phát triển nhân sự đúng hướng.

Công nghệ ngày càng phát triển thì các khách sạn không còn là những ốc đảo để có thể tự huyễn hoặc mình là “số 1”. Ngày nay các khách sạn phải đối diện với sự canh tranh gay gắt chưa từng thấy. Để có thể giữ nhịp độ phát triển, cái cốt lõi của khách sạn vẫn là nhân lực giỏi để chuyển hóa các ý tưởng kinh danh thành hiện thực. Vấn đề nặng nề này phải đặt lên vai các giám đốc nhân sự có năng lực thật sự để tìm kiếm nhân tài và khả năng giải quyết các phát sinh kiện cáo giữa nhân viên với khách sạn và nhân viên với nhau.

Theo ông Chuck Conine, Giám đốc Synergy Restaurant Consultants, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp nhân sự trong ngành công nghiệp khách sạn, giám đốc nhân sự phải đóng vai trò hoạch định chiến lược nhân sự. Họ được xem như “đối tác” của ban giám đốc. Họ là nhà tư vấn và vạch ra chiến lược phát triển công ty theo “đơn đặt hàng” từ ban giám đốc. Đây là cấp độ cao nhất của ngành quản trị nhân sự vốn thường được biết đơn thuần là xử lý các sự vụ hành chính như xếp lịch, chấm công, giải quyết tranh chấp nhỏ, tham gia vào việc lên kế hoạch đào tạo, góp tiếng nói vào sự thăng tiến hay sa thải nhân viên…
Kỹ năng đòi hỏi đầu tiên của giám đốc nhân sự chắc chắn là tuyển chọn đúng người cho các vị trí để làm nền tảng cho sự phát triển và thành công của khách sạn. Một khuynh hướng gần đây cho thấy, cần mở rộng phạm vi tìm kiếm, tuyển chọn nhân sự bên ngoài ngành khách sạn. Vẫn bám sát các tiêu chí mà ban giám đốc đưa ra, nếu ứng viên đáp ứng tốt thì cơ hội tuyển chọn nên dành cho người “ngoại đạo”, bởi họ có thể có những ưu điểm bất ngờ. Chẳng hạn, tuyển một tiếp tân với yêu cầu năng lực đáp ứng được giao tiếp, ngoại ngữ giỏi, xử lý nhanh các yêu cầu, than phiền của khách, hiểu biết kinh tế, tính toán giỏi… thì giám đốc nhân sự có thể tìm kiếm người đủ khả năng đáp ứng đang làm việc tại các ngành kinh tế khác, chứ không nhất thiết phải được đào tạo trong ngành khách sạn.

Một giám đốc nhân sự lý tưởng là người có khả năng cùng ban giám đốc khách sạn đưa ra chiến lược phát triển nhân sự đúng hướng. Chẳng hạn, khi công ty bắt tay với đối tác thì chính giám đốc nhân sự phải là người đưa ra kế hoạch chuẩn bị nhân sự cho dự án đó. Thậm chí, giám đốc nhân sự phải dự đoán được xu hướng phát triển của nguồn nhân lực và có kế hoạch ứng phó. Chẳng hạn, khi nền kinh tế quốc gia bị khủng hoảng, khách sạn đưa ra chính sách tinh giản đội ngũ nhân viên, cắt giảm chi phí, nếu là một giám đốc nhân sự giỏi thì phải cân đối được giữa các mục tiêu mà ban giám đốc đòi hỏi với chi phí đào tạo, phát triển và thu hút nhân tài. Kỹ năng hoạch định chiến lược trong giai đoạn này rất quan trọng để giải quyết các mục tiêu của khách sạn là làm sao tìm được các nguồn lực bên ngoài hoặc chọn cách cắt giảm các nhu cầu chưa cần thiết để thu hẹp vào khả năng mang lại lợi nhuận cao nhất. Ví dụ, thay vì thuê người ngoài đảm nhiệm các vị trí giám đốc điều hành để tìm kiếm khách hàng thì nên lựa chọn nhân viên tại chỗ hay chọn cách luân chuyển giám đốc nhân sự giữa các khách sạn trong hệ thống với nhau.

Giải quyết tranh chấp và khiếu nại trong công việc là chuyện thường gặp trong nghề giám đốc nhân sự, nên đòi hỏi có sự khéo léo và am hiểu luật pháp. Giám đốc nhân sự là nút chặn đầu tiên không cho bùng nổ các bức xúc của nhân viên gây ảnh hưởng đến kinh doanh của khách sạn. Trong trường hợp này, giám đốc nhân sự cần có tính quyết đoán, không hứa những gì nằm ngoài tầm tay, tiến trình xử lý phải hợp tình hợp lý. Thông thường, môi trường khách sạn không quá lớn nên dễ lan truyền những chuyện không hay, nếu giải quyết không đúng phương pháp sẽ là tiền đề cho sự kiện cáo.

Thiên Thảo

Đăng ký Quản lý khách sạn Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*