Dec 11 2013

Cấm nhà ở làm nhà nghỉ – Nhà nghỉ là gì?

Bộ Xây dựng vừa công bố dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở 2005 trong đó có quy định nghiêm cấm sử dụng nhà ở vào các mục đích như: Kinh doanh vũ trường, quán bar, dịch vụ karaoke và nhà nghỉ...

Nghị định cao hơn luật?

Luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc công ty Luật Trí Tuệ (Hà Nội) chia sẻ quan điểm về vấn đề dự thảo Luật nhà ở sửa đổi: “Tôi đồng tình với việc nghiêm cấm dùng nhà ở để kinh doanh các hoạt động bị cấm. Tuy nhiên, kinh doanh nhà nghỉ không phải là hoạt động bị cấm, đã được Chính phủ quy định rõ ràng”.

“Tôi thấy việc sửa đổi này rất buồn cười, không có cơ sở nào để căn cứ thành luật. Đến mùa thi, thiếu nhà trọ nhà nghỉ, chẳng lẽ bắt sinh viên nghèo vào hết khách sạn để ở? Việc kinh doanh nhà nghỉ là xuất phát từ cung – cầu của xã hội, là một hoạt động trao đổi, giao dịch hợp pháp giữa người sử dụng dịch vụ và người tổ chức dịch vụ. Cấm nhà ở dùng làm nhà nghỉ thì lấy nhà nào để giải quyết nhu cầu ấy?”

Ông Lê Quốc Đạt cho biết thêm: “Trong luật Nhà ở 2005, chẳng có điều luật nào ghi rõ nhà ở chỉ được dùng để ở. Nếu cấm kinh doanh nhà nghỉ, bán gas, hay vật liệu cháy nổ thì phải cấm đến nơi đến chốn, tất cả các hộ kinh doanh cửa hàng cửa hiệu ở mặt đường cũng nên dẹp hết để lấy không gian mà ở. Các công sở của công an, ủy ban vẫn thấy kê giường, tôi cho rằng nên dẹp vì công sở không dùng để ở.”

Luật sư Nguyễn Thanh Điệp – Trưởng văn phòng Luật sư Khang Dân cho biết: Pháp luật chưa có quy định về khái niệm “Nhà nghỉ” mà chỉ có quy định về dịch vụ kinh doanh nhà nghỉ; cho thuê lưu trú ngắn ngày.

Dịch vụ Kinh doanh nhà nghỉ, lưu trú ngăn ngày được xếp vào mã ngành 55103 trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

Theo qui định của pháp luật hiện hành thì kinh doanh nhà nghỉ và ngành kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự. Do đó người kinh doanh, cơ sở kinh doanh này chỉ được tiến hành hoạt động kinh doanh khi đã được cấp giấy xác nhận  đủ điều kiện về an ninh trật tự.

Điều kiện để được cấp giấy xác nhận: Thứ nhất, chủ cơ sở kinh doanh phải là người có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm (như người chưa thành niên, bị kết án mà chưa xóa án tích…) Thứ hai, địa điểm kinh doanh không nằm trong khu vực cấm kinh doanh.

Theo Luật sư Điệp, để hợp lý, bên soạn thảo luật nên đưa ra một khái niệm về “Nhà nghỉ” trước rồi hãy cấm sau.

Tệ nạn mại dâm, việc quản lý là của công an

Một thời gian dài, kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ được xem là có thể hái ra tiền một cách nhàn hạ. Song, kinh tế khó khăn, giờ hàng loạt nhà nghỉ phải âm thầm đóng cửa. Những nhà nghỉ còn tồn tại cũng trong tình trạng trầy trật vì vắng khách… Việc ra chủ trương cấm biến nhà ở thành nhà nghỉ sẽ khiến họ càng điêu đứng hơn, thậm chí phải đóng cửa, giải thể.

Anh Trần Tuấn Nam, chủ một cơ sở nhà nghỉ ở đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Hiện tại gia đình tôi gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con đều còn đang tuổi đi học chỉ trông vào cái nhà nghỉ này. Thực chất do vợ chồng tôi là lao động tự do, kiếm được chút vốn nên mới xây nhà của mình lên, vừa để ở vừa kinh doanh, có giấy phép đàng hoàng. Cấm thế này thì khác gì đẩy cả nhà tôi chết đói”.

Nếu dự thảo sủa đổi luật Nhà ở được thông qua, những hộ dân sống bằng việc kinh doanh nhà nghỉ sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa
Nếu dự thảo sủa đổi luật Nhà ở được thông qua, những hộ dân sống bằng việc kinh doanh nhà nghỉ sẽ đối mặt với nguy cơ đóng cửa

Chủ nhà nghỉ Mai Lan ở đường Trần Duy Hưng cho biết: “Hiện tôi có hai nhà nghỉ nhưng đều là đi thuê để kinh doanh. Mỗi nhà nghỉ có khoảng 5 nhân viên, nếu cấm tôi buộc phải đóng cửa. Thử tính xem Hà Nội này có hàng trăm, thậm chí cả nghìn nhà nghỉ, mỗi nhà nghỉ có vài nhân viên phục vụ, dọn dẹp. Nếu cấm như thế không khác gì đẩy hàng nghìn lao động vào cảnh thất nghiệp”.

Chủ nhà nghỉ trên đường Nguyễn Khánh Toàn, anh Sơn chia sẻ: “Chẳng ai ngay từ đầu xây nhà với mục đích chỉ để ở cả. Nhà có mặt tiền thì phải cho thuê kinh doanh hoặc tự kinh doanh, nhà trong ngõ không dùng hết phòng thì cho thuê, hoặc làm nhà nghỉ. Đấy là quyền tự do của công dân. Còn về vấn đề tệ nạn mại dâm, việc quản lý là của công an, không thể cứ không quản được là cấm”.

Mới chỉ định nghĩa nhà ở

Theo khái niệm về nhà ở được quy định Luật Nhà ở năm 2005, điều 1 như sau: “Nhà ở theo quy định của Luật này là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”.

Minh Tuệ

Sử dụng Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel để đạt hiệu quả cao nhất

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*