Huế ‘cháy’ phòng, Đà Nẵng còn nhiều khách sạn trống chỗ dịp 30/4
Khách sạn ở Huế kín phòng
Đại diện khách sạn Rosaleen Boutique (36 Chu Văn An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, hiện khách sạn chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, nhân sự để phục vụ khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5.
Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, khách sạn cũng thực hiện quảng bá các chương trình của Festival nghề truyền thống Huế (diễn ra đúng dịp nghỉ lễ 30/4-1/5) đến với du khách. Do đó, lượng khách đặt phòng tăng vọt và toàn bộ phòng của khách sạn được khách đặt hết.
Đại diện khách sạn Midtown Huế (29 Đội Cung, TP Huế) cho biết, dịp lễ 30/4, 1/5 được ví như ngày Tết của ngành du lịch.
Năm nay, lượng khách đến Huế dịp lễ 30/4, 1/5 tăng đột biến và hiện toàn bộ phòng của khách sạn đã được khách đặt hết và khách sạn chỉ để lại một vài phòng dự phòng để lỡ các khối phòng đón khách bị trục trặc.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ 30/4, 1/5 và tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế 2023, dự kiến có khoảng 95.000 khách du lịch đến Huế. Tổng lượng khách đã đặt phòng lưu trú ước đạt 55.500 lượt.
“Các doanh nghiệp du lịch cũng được yêu cầu đảm bảo giữ chất lượng phục vụ khách du lịch trong những dịp cao điểm. Đặc biệt, phải nghiêm túc niêm yết giá, không có tình trạng nâng giá phòng hoặc ép giá đối với khách khi đến Huế. Ngành du lịch cùng phối hợp với các địa phương đều có đường dây nóng, hỗ trợ du khách khi cần thiết”, ông Phúc cho biết.
Đà Nẵng còn nhiều phòng trống
Theo khảo sát của PV, dù kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày nhưng lượng khách đến du lịch tại thành phố biển Đà Nẵng không bùng nổ như thời điểm trước năm 2019.
Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, công suất phòng của các cơ sở lưu trú gần bãi biển (các khách sạn 4-5 sao) đạt khoảng 70-80% và 50-60% đối với các khách sạn từ 3 sao trở xuống. Còn tại khu vực trung tâm thành phố, công suất các khách sạn mới chỉ đạt 60-70%.
Anh Lê Phạm Quốc Anh, quản lý khách sạn Như Minh trên đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng cho biết, hiện lượng khách đặt phòng chỉ đạt 70%.
“Khoảng 1 tháng trước, các đơn vị lữ hành đặt phòng tại khách sạn khoảng 90% nhưng những ngày gần đây nhiều hãng báo hủy vì không có khách như dự kiến. Hiện lượng đặt phòng chỉ đạt khoảng 65-70% và chúng tôi chỉ hy vọng những ngày sát lễ có thể có những đoàn khách lẻ đặt phòng”, anh Anh cho biết.
Tương tự, tại các khách sạn 4-5 sao trên các tuyến đường ven biển như Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại… lượng khách đặt phòng cũng chỉ đạt mức 60-80%. Còn tại những khách sạn ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng, công suất hiện chỉ đạt khoảng 55-70%.
Theo đại diện Khu du lịch Công viên suối khoáng núi Thần Tài, kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay lượng khách đặt phòng không như thời điểm trước dịch. Hiện chỉ có ngày 1/5 là khách đặt kín phòng còn các ngày khách thì chỉ đạt 70-80% công suất.
“Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ để đón du khách. Lượng đặt phòng của khu du lịch cho kỳ nghỉ lễ đạt 85% công suất, riêng ngày 1/5 thì hệ thống khách sạn Ebisu Onsen Resort của khu du lịch đã đạt công suất 100%. Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay với kỳ nghỉ dài ngày được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho du lịch Đà Nẵng nói chung và Khu du lịch Công Viên Suối Khoáng Núi Thần Tài nói riêng sau thời gian dịch bệnh kéo dài”, đại diện khu du lịch cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Quý, đại diện hãng lữ hành tại Đà Nẵng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến khách đến Đà Nẵng không quá đông là do thời điểm trước lễ, các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé.
“Giá vé quá cao, trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn nên người dân phải tính toán, cân đo đong đếm. Bỏ ra tầm 5-6 triệu triệu đồng để mua vé máy bay từ Hà Nội, TP.HCM đến Đà Nẵng khiến nhiều người dù muốn đi du lịch cũng phải thay đổi ý định. Một chuyến du lịch 4-5 ngày tại Đà Nẵng với tổng chi phí khoảng 12 triệu đồng/người (gồm tiền vé máy bay, lưu trú, ăn uống) thì một gia đình với 4 người cũng hết khoảng 40 triệu đồng, mức chi phí quá cao. Nếu so với đi du lịch Singapore, Đài Loan, Thái Lan… thì mức chi phí này đắt hơn rất nhiều”, ông Quý so sánh.
Vì vậy, ông Quý cho rằng Đà Nẵng có thể kỳ vọng vào dòng khách đi bằng đường bộ hoặc đường sắt và công suất khai thác buồng phòng như hiện tại là khá hợp lý.
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng khách đến Đà Nẵng có thể đông nhưng sẽ không “bùng nổ”. Cũng theo vị này, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, Đà Nẵng sẽ đón khoảng 65-70 chuyến bay trực tiếp từ nước ngoài/ngày. Số lượng này đã phục hồi đạt bằng mức cao điểm năm 2019. Trong khi đó, số chuyến bay nội địa đến Đà Nẵng dịp lễ khoảng 70 – 75 chuyến/ngày.
“Dự kiến lượng du khách nội địa có thể chỉ gần ngang năm 2019, khách quốc tế thì khoảng 70-80% so với năm 2019“, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá.
Sử dụng Phần mềm quản lý khách sạn Skyhotel để đạt hiệu quả cao nhất
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Author: XUÂN TIẾN-NGUYỄN VƯƠNG