May 24 2021

Thị trường mua bán khách sạn tăng nhiệt giữa dịch COVID-19

Theo một cuộc khảo sát gần đây của JLL, 70% các nhà đầu tư sẽ nhắm mục tiêu vào các khách sạn ở châu Á – Thái Bình Dương. Khối lượng đầu tư khách sạn toàn cầu trong năm nay dự kiến đạt 35 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của JLL chỉ ra trong tháng 3, tập đoàn Blackstone và tập đoàn Starwood mua lại nhà điều hành khách sạn Extended Stay America với giá 6 tỷ USD, thương vụ lớn nhất ở Mỹ kể từ khi COVID-19 bùng nổ. Tại Madrid, tập đoàn Commerz Real của Đức đã thâu tóm một tòa nhà văn phòng tại sân bay của thành phố với mục tiêu chuyển đổi thành khách sạn với 280 phòng mang thương hiệu Zleep Hotels.

Thị trường mua bán khách sạn tăng nhiệt giữa dịch COVID-19 - 1

Nhà đầu tư bắt đầu ngắm đến thị trường khách sạn. (Ảnh minh hoạ).

Khách sạn và các lĩnh vực du lịch giải trí đã bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, với việc các thành phố đóng cửa và những lo ngại về sức khỏe đã hạn chế số lượng du khách. Tuy nhiên, việc triển khai vaccine đang diễn ra nhanh chóng cùng với sự dồn nén “cơn khát” được đi du lịch của con người dự kiến tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ khi đại dịch được kiểm soát.

Ông Nihat Ercan, Giám đốc Điều hành Bộ phận Đầu tư JLL châu Á Thái Bình Dương nhận định, những thông tin tích cực về việc triển khai vaccine tại nhiều khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ đang thắp lên hy vọng phục hồi ngành du lịch toàn cầu. Diễn biến tích cực này cùng với các khách sạn đang được định giá thấp so với trước đại dịch đã bắt đầu thôi thúc các nhà đầu tư hành động nhanh để không bỏ lỡ cơ hội thâu tóm tài sản giá tốt.

Các chuyên gia dự báo nhờ cú hích vaccine, dự kiến thị trường khách sạn sẽ phục hồi hoàn toàn năm 2024, dẫn đến sự gia tăng làn sóng huy động vốn khá mạnh mẽ vào các tài sản lưu trú. Các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đang nhập cuộc thị trường M&A khách sạn với nhiều chiến lược khác nhau, từ thu mua cổ phần truyền thống đến cho vay cấp cao và cho vay lãi suất thấp.

Năm ngoái, vốn huy động được từ quỹ đầu tư chảy vào thị trường khách sạn đạt 24,5 tỷ USD năm 2020, bằng với mức năm 2016. Với tiềm lực tài chính đáng kể, các quỹ đầu tư mạo hiểm vốn hóa tốt dự kiến thúc đẩy số lượng lớn các giao dịch trong năm nay. Tuy nhiên, một chướng ngại nhỏ là hiện vẫn chưa có sự thống nhất cao về mức giá giao dịch giữa chủ sở hữu và nhà đầu tư.

Ông Peter Harper, Giám đốc Điều hành Khách sạn của JLL đánh giá, cho đến khi cuộc khủng hoảng của ngành du lịch được kiểm soát, các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhóm cá nhân có giá trị ròng cao sẽ có nhiều cơ hội “lấn sân” vào thị trường tài sản khách sạn. Vì đa số các chủ sở hữu sẽ tiếp tục cần hỗ trợ tài chính hoặc chỉ có thể liên tục dựa vào ngân hàng.

JLL cho rằng tại những thị trường không là cửa ngõ quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương và các thị trường mà nhu cầu du lịch trong nước chưa thể bù đắp cho sự sụt giảm lượng khách quốc tế, định giá tài sản khách sạn gần như đã giảm tới 30%. Tuy nhiên không có nghĩa là các tài sản sẵn sàng để giao dịch, chủ nhà sẽ tiếp tục nắm giữ tài sản cho đến khi điều kiện kinh tế chung được cải thiện hoặc chỉ sẵn sàng thỏa thuận giảm giá bán 10%.

Ông Xander Nijnens, Giám đốc Quản lý Tài sản khu vực châu Á Thái Bình Dương của JLL nhận định, năm 2021 là thời điểm tái đầu tư vào các tài sản khách sạn vì các chủ sở hữu đang bắt đầu cảm thấy áp lực tìm khách mua hoặc duy trì dòng tiền.

Có khoảng 36% nhà đầu tư được hỏi trong cuộc khảo sát gần đây cho biết sẽ tập trung ưu tiên đầu tư vào tài sản, cùng với việc kiểm soát chi phí và duy trì dòng tiền năm nay.

“Sẽ có nhiều giao dịch được thực hiện trong bối cảnh những tay chơi trường vốn đã sẵn sàng thâu tóm tài sản và định vị lại các khách sạn với mục tiêu chào bán sau 3-5 năm vận hành”, ông Nijnens chia sẻ.

 

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, nhà nghỉ, hotel mini

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*