Cuộc đua của các mô hình dịch vụ lưu trú mới
Bằng việc cung cấp các lựa chọn thay thế cho khách sạn, mô hình dịch vụ mới như Airbnb và homestay đang chiếm được phần trăm thị phần đáng kể trong ngành khách sạn và lưu trú.
Một homestay tại Hội An
Mặc dù các nền tảng dịch vụ lưu trú chưa gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các khách sạn truyền thống, nhất là tại Việt Nam, nguồn cung khách sạn truyền thống vẫn chưa đủ để phục vụ cho lượng khách du lịch ngày càng tăng trong mùa cao điểm. Song theo JLL Việt Nam, ngành khách sạn truyền thống không nên đánh giá thấp tiềm năng của mô hình này.
Theo đó, thế hệ millennials đang ngày càng thoải mái hơn trong nền kinh tế chia sẻ, bằng chứng là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của hệ thống gọi xe Grab và dịch vụ lưu trú Airbnb tại Việt Nam. Xu hướng kinh tế chia sẻ mang đến cho thị trường những cơ hội đầu tư mới, bất kể số lượng vốn hay tài sản.
Theo báo cáo khảo sát khách sạn năm 2017 của Grant Thornton, Airbnb đã tăng trưởng ấn tượng và cung cấp hơn 16.000 đơn vị lưu trú cho thị trường Việt Nam. Mô hình dịch vụ này nổi lên tại các thành phố lớn có nhu cầu du lịch cao như TP. HCM, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa.
Đà Lạt ngủ quên trong làn sóng bất động sản du lịch
Mô hình lưu trú mới này cung cấp nhiều loại hình không gian bao gồm cả biệt thự, nhà phố, căn hộ, những nơi đủ chỗ cho lượng khách lớn hơn so với phòng khách sạn thông thường.
Airbnb và homestay đang tạo ra một thị trường khách sạn bổ sung cho khách du lịch và thu hút thế hệ người trẻ millennials – lứa tuổi du lịch linh hoạt và không ngừng tìm kiếm trải nghiệm.
Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng gấp năm về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khác sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.
Việt Nam đang là một trong ba quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, giảm đáng kể các thủ tục, điều kiện về cấp thị thực (visa) cho du khách quốc tế khiến cho Việt Nam trở thành một điểm nóng thu hút khách du lịch.
Báo cáo của AirDNA cũng chỉ rõ các khu vực thành phố có doanh thu lớn nhất về homestay hiện nay như: TP. HCM (41,6 triệu USD), Đà Nẵng (19 triệu USD), Hà Nội (13,3 triệu USD), Lâm Đồng (2,2 triệu USD).
Nguồn thu đáng kể từ việc kinh doanh các dịch vụ lưu trú mới này đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam mạnh dạn đầu tư vào mô hình mua nhà để cho thuê, hoặc đứng ra thuê nhà dài hạn sau đó có thể đầu tư cho thuê lại ngắn hạn với giá cao hơn.
Người Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh trong ngành du lịch đặc biệt là tham gia vào thị trường kinh doanh homestay tạo ra doanh thu vào khoảng 130 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Bốn lưu ý khi đầu tư
Bên cạnh những mô hình thành công, không ít nhà đầu tư nhận ra rằng tổng doanh thu trong một tháng không đủ để trả được tiền thanh toán định kỳ hoặc tiền lãi. Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư vào Airbnb và homestay, theo JLL cho rằng chủ nhà cần lưu ý một số điều sau đây.
Thứ nhất là địa điểm, nếu các nhà đầu tư đang tập trung vào các dịch vụ cho thuê ngắn hạn, hãy chọn bất động sản gần địa điểm du lịch hoặc sân bay. Bất động sản nên được kết nối với hạ tầng giao thông tốt và các tiện ích đi kèm như cửa hàng tiện lợi hoặc khu ẩm thực.
Thứ hai là khâu quản lý, việc quản lý nhiều địa điểm lưu trú trong cùng thời điểm là điều không dễ dàng, đặc biệt là khi chủ nhà đang tự quản lý nhưng đó không phải là chuyên môn của họ. Hơn nữa, việc thiếu kinh nghiệm quản lý có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về an ninh, thiệt hại tài sản và danh tiếng. Vì vậy, chủ nhà nên thuê nhân viên quản lý có kinh nghiệm để đảm bảo khoản đầu tư lâu dài.
Thứ ba, ưu tiên các yếu tố trải nghiệm. Trước khi đầu tư, nhà đầu tư hãy nghĩ xem cơ sở của mình lại điều gì tuyệt vời hơn những khách sạn truyền thống trong cùng mức giá. Homestay sử dụng chiến lược “trải nghiệm cùng người địa phương” cộng “giá cả cạnh tranh” là chìa khóa vàng để thành công.
Phần lớn khách du lịch phượt sẽ chọn phương án nhà ở trải nghiệm thay vì phòng khách sạn truyền thống, dân du lịch mong muốn có những trải nghiệm thú vị với người dân địa phương, hiểu thêm về văn hóa, ăn thêm một món lạ, những kiểu trang trí độc nhất, bất cứ điều gì từ việc thưởng thức ly cà phê pha phin trong nhà bếp cho đến những chiếc đèn hình dáng nón lá đều sẽ làm bạn khác biệt so với đối thủ cạnh tranh.
Một điều không thể thiếu là nhà đầu tư phải nắm rõ những thủ tục đăng ký kinh doanh cần thiết cho mô hình lưu trú này tại các thị trường mục tiêu, nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh được thuận lợi và lâu dài.
Theo JLL, sự phát triển của Airbnb chính là chất xúc tác cho các khách sạn truyền thống thay đổi và cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ. Tại những thành phố lớn của Việt Nam, việc thuê nhà có hợp đồng dài hạn sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh nguồn cung gia tăng. Mô hình cho thuê lưu trú ngắn hạn sẽ là một giải pháp tốt cho vấn đề này.
Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, nhà nghỉ, hotel mini
- Category: Tin tức khách sạn
- -
- Tags: tin tức khách sạn
- -
- Author: admin