Feb 20 2019

Bài bản ‘dìu’ khách qua khách sạn khác khi hết phòng

Chuyện “dìu khách” không mới, nhưng theo các chuyên gia ngành khách sạn Mỹ, bài bản này đang được sử dụng nhiều khi nền kinh tế Mỹ mạnh lên, dẫn đến việc tăng tỉ lệ kín phòng khách sạn. Cùng lúc, các khách sạn bị sức ép phải tăng nguồn thu.

Để đạt doanh số, các khách sạn luôn cố gắng dự báo ai sẽ không đến lấy phòng hoặc phút chót hủy nhận phòng.

Đôi khi họ đoán sai. Dù các khách sạn không bị ràng buộc pháp lý nào, nhưng chính sách chung là khách sạn phải đăng ký một phòng ở một khách sạn tương đương và trả tiền phòng cho khách “bị dìu”. Đây là thông tin của bà Reneta McCarthy, một giảng viên cấp cao ở Trường Quản lý khách sạn của Đại học Cornell.

Khách trung thành của dây chuyền khách sạn Marriott International nếu “bị dìu” sẽ được tặng quà bằng tiền mặt và điểm thưởng. Ảnh: Bloomberg.

Dù vậy, một số khách nói một đêm miễn phí vẫn khiến họ bực mình. Nhà thầu tiếp thị Paul Lanyi kể, từng đăng ký phòng ở khách sạn Waterfront ở thành phố Oakland (bang California), nhưng khi ông đến nhận phòng lúc gần nửa đêm, nhân viên tiếp tân cho ông biết phòng ông đăng ký đã bán cho người khác, và không còn phòng nào trống.

May mắn là nhân viên có thể lấy một phòng của khách sạn gần đó, nhưng mãi đến 2 giờ sáng ông mới có thể lên giường: “Tôi phải dậy sớm để dự một cuộc họp lúc 8 giờ 30. Không vui một chút nào”.

Giám đốc khách sạn là ông Chris Offutt, nói trong tình hình khách sạn kín phòng (không thường xuyên xảy ra nhưng vì nguồn cầu cao trong khu vực), khách sạn của ông cố gắng bảo đảm cho khách có chỗ nghỉ ở một khách sạn tương đương, vì chủ trương của Waterfront là “chăm sóc khách hết mình”.

Trong khi không có số liệu chính thức có bao nhiêu khách lữ hành “bị dìu”, và từng khách sạn thường không nói về chuyện này vì sợ mất uy tín và ảnh hưởng tới chuyện làm ăn, nhưng Giáo sư Bjorn Hanson thuộc Đại học New York nói lý do lớn khiến tăng tỉ lệ “dìu khách” qua khách sạn khác chính là tỉ lệ kín phòng cao.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Hanson ghi nhận năm 2019 được kỳ vọng sẽ có tỉ lệ kín phòng khách sạn cao nhất kể từ năm 1981 đến nay, với hơn 66% số phòng khách sạn ở Mỹ sẽ có người ở qua một đêm. Để so sánh, vào năm 2009 số phòng có người ở đạt tỉ lệ 54,6 %, theo công ty nghiên cứu lữ hành STR.

Tiến sĩ Hanson nói vào lúc tỉ lệ kín phòng cao, khách sạn sẽ phải đăng ký thêm phòng khách sạn khác, kết quả là càng có nhiều khách “bị dìu”.

Chuyện khách “bị dìu” cao cũng vì các khách sạn đang chịu sức ép ngày càng tăng về chuyện kiếm thật nhiều tiền. Giáo sư Rummy Pandit thuộc Đại học Stockton (bang New Jersey) nói: “Nguồn cung tăng nhanh hơn nguồn cầu, nên các khách sạn bị cạnh tranh nhiều hơn, và họ còn bị cạnh tranh từ các công ty cho thuê phòng như Airbnb”.

Tiến sĩ Pandit còn ước tính những khách sạn có từ 500-700 phòng sẽ phải “dìu” 5 khách trong những ngày cao điểm. Và khả năng “dìu khách” không nhất thiết lệ thuộc tầm cỡ của thành phố. Nó thường lệ thuộc nguồn cầu và nguồn cung khách sạn vào bất kỳ thời điểm nào. Dù vậy, ông xác nhận khả năng “bị dìu” rất cao ở những thành phố lớn vào những ngày cao điểm.

Cách khách sạn quyết định “dìu” khách nào tùy thuộc nhiều yếu tố. Giảng viên McMarthy nói khách nam có nguy cơ “bị dìu” cao hơn khách nữ, khách đi một mình có nhiều nguy cơ hơn một cặp khách hoặc một gia đình, và khách đặt phòng 1 đêm có nguy cơ cao hơn hơn khách lưu trú vài đêm.

Khách nhận phòng lúc cuối ngày cũng có nguy cơ “bị dìu” cao. Tiến sĩ Hanson khuyên khách nên đến khách sạn ngay sau giờ nhận phòng chính thức, vì đó là lúc còn nhiều phòng. Còn nếu biết chắc sẽ đến trễ, khách nên gọi đến khách sạn, tái xác nhận việc đăng ký phòng với nhân viên tiếp tân và cho họ biết khách sẽ đến ở.

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, hotel mini Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*