Dec 01 2017

Quy định homestay Hội An: Để giữ giá trị văn hóa bản địa mà không vi hiến

LTS: Có nhiều ý kiến cho rằng việc UBND Quảng Nam vừa qua có những quy định làm homestay ở Hội An là vi hiến. Bài viết của Người Đô Thị dưới đây nhằm chia sẻ một góc nhìn về vấn đề này, đồng thời là làm sao vẫn bảo hộ được giá trị bản địa.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có Quyết định 3890/QĐ-UBND Ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Trong số các điều kiện kinh doanh homestay của Quyết định, xin bàn về điều kiện chủ kinh doanh phải có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú tại căn nhà làm dịch vụ thì mới được kinh doanh. 

Quy định nói trên nhằm bảo tồn, phát huy và giới thiệu truyền thống văn hóa, lịch sử, đời sống sinh hoạt của người dân địa phương với du khách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là một cách bảo hộ dân địa phương không đúng cách. Bên cạnh đó, có người đặt vấn đề, liệu quy định này có vi hiến, trái luật không, cụ thể có làm ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của công dân?

Quả thật, nếu coi hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú là một điều kiện cần thiết mới được kinh doanh homestay thì sẽ vi hiến, vi phạm quyền tự do kinh doanh của công dân. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cắt giảm mạnh các điều kiện kinh doanh vi hiến, trái luật; thay đổi cái nhìn về hộ khẩu. Để vừa bảo hộ giá trị văn hóa bản địa, vừa tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, trước hết cần xuất phát từ bản chất của homestay.

Ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư thành ủy Hội An, cho rằng: nếu không có gia đình người dân bản địa ở đó, thì nó không phải là hình thức homestay. Khách du lịch được sống trong căn nhà của người bản địa, sống chung và sinh hoạt như một thành viên trong một gia đình. Người viết bài này thử tìm hiểu homestay ở các nước thì thấy họ quan niệm tương tự như vậy.

Ví dụ, theo quy định của Hội đồng thành phố Asheville, Mỹ, homestay là việc thuê phòng trong một ngôi nhà tư nhân; cư dân thường xuyên sống trong ngôi nhà đó phải ở cùng trong thời gian khách lưu trú. Tương tự, ở bang Kerala và nhiều bang khác của Ấn Độ, homestay chỉ những trường hợp chủ nhà cùng với gia đình thực sự sống ở căn nhà làm dịch vụ cho khách du lịch thuê phòng; chủ nhà hoặc thành viên gia đình phải ở cùng khách trong thời gian khách lưu trú.

Du khách nước ngoài trải nghiệm “dịch vụ” homestay câu cá trên biển của người dân Cù Lao Chàm, Hội An. Ảnh: Lê Quỳnh

Ở Việt Nam, theo Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) “là nơi sinh sống của người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà”.

Như vậy, quan niệm này cũng có những điểm giống với ở các nước, tức là người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp sinh sống tại ngay căn nhà. Tuy nhiên, nó lại nằm trong điều khoản định nghĩa về homestay, chứ không phải quy định có tính bắt buộc rõ ràng như ở các nước.

Quyết định 3890 của UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu “chủ kinh doanh homestay hiện đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh”, nhưng như vậy vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.

Căn cứ trên điều khoản nói trên của Thông tư 88, UBND tỉnh Quảng Nam có thể sửa đổi Quyết định 3890/QĐ-UBND, bỏ yêu cầu về hộ khẩu. Đồng thời, cần cụ thể hóa thành quy định rõ ràng hơn, cần thể hiện nội dung: chỉ những người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp căn nhà đang sinh sống ở đó trong một thời gian nhất định (ví dụ 6 tháng) mới được kinh doanh dịch vụ cho khách du lịch thuê phòng ở cùng; họ phải ở cùng khách du lịch trong thời gian lưu trú.

Để xác minh việc “sinh sống”, có thể tìm hiểu qua cư dân ở khu vực đó, qua tổ dân phố, thôn, chính quyền cơ sở, hoặc công an khu vực. Lúc đó, hộ khẩu hoặc đăng k‎ý thường trú chỉ là một nguồn thông tin để xác minh việc sinh sống của người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp tại căn nhà đó, chứ không phải là một điều kiện để được kinh doanh như quy định mới ban hành.

Luật Du lịch quy định,Uỷ ban nhân dân các cấp có biện pháp để bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương”.

Quyết định 3890 của UBND tỉnh Quảng Nam cũng xuất phát từ cái tâm của chính quyền muốn bảo vệ công dân của mình. Chỉ cần sửa đổi theo hướng tránh được sự vi hiến, thể hiện bản chất, yêu cầu của homestay, chính quyền sẽ giúp duy trì được nét văn hóa của người dân bản địa, giữ được sự quyến rũ khách ở nét duyên dáng của người dân trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, giúp người dân vừa duy trì được nghề chính, truyền thống của mình mà không phải bán đất, không phải làm thuê trên đất của mình, mà vẫn được làm chủ trên đất của mình.

Nguyễn Đức Lam      

Tình trạng homestay bị biến tướng

Theo chính quyền Hội An, thời gian qua, không ít homestay bị biến tướng như một nhà nghỉ hoặc khách sạn giá rẻ, xem nó đơn thuần như là một cơ sở lưu trú để thu lợi, chứ không còn là nơi để du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa.

Thực tế homstary là diện hộ kinh doanh gia đình, còn khách sạn phải thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã có nhiều người mua đất, thuê nhà, một gia đình làm 5 – 6 homestay. Còn chủ nhà không ở đó, mà họ thuê người phục vụ, làm lễ tân tại đó…

Theo ông Nguyễn Sự, như vậy thì homestay không còn mang tính cộng đồng nữa, mà nó bị biến tướng thành hình thức kinh doanh. Khi đó, không phải người dân nào cũng làm homestay được, mà chỉ người có tiền mới làm được. Như vậy dần dần nhà cửa tài sản của người dân sẽ dễ bị xé ra bán hết…

L.Quỳnh

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, resort Skyhotel

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*