Jul 14 2019

Khách sạn cao cấp đội chi phí vì… nhân viên

Tỷ lệ nhân viên trên mỗi buồng phòng cao, chi phí đào tạo lớn, số lượng nhân viên cao cấp nhiều… đang khiến chi phí vận hành của các khách sạn cao cấp (4, 5 sao) tăng lên. Đây cũng là một mối lo với các khách sạn trong những năm tới, bên cạnh việc thiếu hụt nhân sự.

Nhân sự ngành khách sạn vẫn đang thiếu và yếu vì người Việt Nam ít thích việc đi phục vụ người khác. Ảnh minh họa: Minh Tâm

Theo kết quả của Khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2019 vừa được Công ty tư vấn, kiểm toán và thuế Grant Thornton Việt Nam công bố hôm nay, 11-7, lợi nhuận gộp và thu nhập trước thuế, khấu hao và lãi suất (EBITDA) của các khách sạn cao cấp trong năm 2018 đều giảm nhẹ so với 2017, lần lượt 0,5% và 0,6%. Nguyên nhân chính là chi phí không phân bổ tăng, cao hơn 1,4% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, đáng chú ý là tỷ trọng lương nhân viên trong tổng doanh thu năm 2018 tăng 1,5% (từ mức 23,7% năm 2017 lên mức 25,2% năm 2018). Khảo sát ghi nhận, lương nhân viên ở các khách sạn 4 sao trong năm 2018 tăng cao hơn ở khu vực 5 sao nhưng lương bình quân thì lại thấp hơn.

Cũng theo khảo sát, 60% các nhà điều hành khách sạn 4, 5 sao được hỏi đã bày tỏ, chi phí vận hành tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chung của họ ở hiện tại và tương lai.

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu về kết quả khảo sát, ông Michael Robinson, Tổng quản lý của khách sạn Caravelle Saigon cho biết, chi phí vận hành của các khách sạn cao cấp tăng cao vì nhiều lý do.

Đầu tiên là do quy định về tăng lương tối thiểu cho người lao động của Chính phủ. Thứ hai, tỷ lệ nhân viên trên mỗi buồng phòng của các khách sạn 5 sao ở Việt Nam (là 1,6) cao hơn nhiều nước trong khu vực. Do vậy, chi phí cho nhân viên cao.

Bên cạnh đó là chi phí đào tạo nhân viên cũng rất lớn khi khoảng cách giữa nhu cầu thực tế của thị trường với kết quả đào tạo tại các trường vẫn tiếp tục không được thu hẹp.

Riêng với những khách sạn như Caravelle Saigon, do số lượng nhân viên, quản lý cấp cao gắn bó nhiều năm, trả lương cao nhiều nên chi phí cũng bị đẩy lên. Đó là chưa kể đang phải đầu tư để cải tạo khách sạn.

“Chúng tôi sẵn sàng chi trả lương cao cho nhân viên nhưng mong muốn giảm số lượng xuống để lương của họ cao hơn nữa”, ông Michael Robinson nói.

Cũng theo khảo sát, các khách sạn cao cấp cho rằng việc thiếu hụt nguồn nhân sự cả về chất lượng lẫn số lượng sẽ là một yếu tố làm thay đổi thị trường trong những năm tới. Đây là vấn đề đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện khi khoảng cách giữa đào tạo trong trường lớp và vận hành thực tế còn xa.

Ông Kenneth Atkinson, Thành viên sáng lập và tư vấn cấp cao của Hội đồng quản trị Grant Thornton Việt Nam nhận xét, người Việt có tư duy rất khác về ngành dịch vụ so với các nước trong khu vực. Tâm lý chung là không thích phục vụ người khác. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nhân sự của ngành thiếu hụt, nhất là trong bối cảnh có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp khác. Vấn đề là cần phải thay đổi tư duy này vì đã có rất nhiều người có được vị trí lớn trong ngành này dù bắt đầu ở vị trí thấp nhất.

Chia sẻ với TBKTSG Online bên lề họp báo, ông Đặng Huy Hải, Phó tổng giám đốc của WMC Group (quản lý các thương hiệu như Times Square, Windsor…) nhận định, nhân sự là vấn đề lớn với nhiều chuỗi khách sạn, nhất là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn hoạt động ở tỉnh. Một trong những cách thường làm là đưa nhân viên, quản lý từ các thành phố lớn ra làm việc nhưng cũng không giải quyết căn cơ. Bởi lẽ, những người đi thường độc thân hoặc chấp nhận điều động vài năm vì có lương cao, không làm lâu dài.

Giá mua lại khách sạn cao cấp tại Việt Nam rất cao

Theo ông Kenneth Atkinson, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực khách sạn cao cấp đang gặp những rào cản lớn. Cụ thể là giá bán của các khách sạn rất cao khiến các nhà đầu tư nước ngoài không thấy được khả năng hoàn vốn. Việc mua lại thường do các nhà đầu tư trong nước thực hiện vì làm ăn lâu dài và cũng là một cách để gia tăng “thương hiệu” cá nhân bằng việc sở hữu các khách sạn có tên tuổi.

Trong thời gian tới, theo ông Kenneth, sẽ có nhiều thương vụ M&A với các khu nghỉ dưỡng vì các nhà đầu tư đang chịu áp lực lớn về vốn vay cao. Thêm vào đó là việc các sân bay tỉnh được cải tạo, nâng cấp sẽ giúp lượng khách tăng lên để qua đó nâng hiệu suất hoạt động của các khu nghỉ dưỡng miền Trung.

 

Đăng ký Phần mềm quản lý khách sạn, nhà nghỉ, hotel mini

Your Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

*